Ngày 17-11, trong phiên làm việc tại hội trường, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
|
Cho phép chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nội dung dự thảo luật đã có sự thay đổi cơ bản so với luật hiện hành là thực hiện cơ chế quản lý Nhà nước về khoáng sản phù hợp với nền kinh tế thị trường. Theo đó, việc cấp quyền khai thác khoáng sản về nguyên tắc phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, xóa bỏ tình trạng xin - cho dễ nảy sinh tiêu cực.
Để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ về cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo luật quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá chỉ được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở quy định các tiêu chí để xem xét cụ thể. Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của luật. Liên quan đến nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều về chuyển nhượng quyền hoạt động khoáng sản, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về nguyên tắc dự thảo luật không khuyến khích chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép phát sinh nhiều tiêu cực.
Tuy nhiên, trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn. Do đó, để phù hợp với các luật hiện hành như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và hạn chế việc làm thất thoát tài sản xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.
Sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập như các văn bản pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, bảo vệ môi trường, đất đai... đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong khi các quy định có liên quan của pháp luật về khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ; nhiều quy định của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế, một số quan hệ mới phát sinh chưa được quy định bổ sung; trong công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản chưa có cơ chế xã hội hóa nhằm huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này... Luật Khoáng sản (sửa đổi) bãi bỏ các quy định bất cập; bổ sung quy định những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.
Người tiêu dùng không phải nộp tạm ứng án phí
Cũng trong buổi chiều, đa số đại biểu đã nhất trí thông qua dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với 6 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Theo quy định của luật, Bộ Công thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Đồng thời, quy định điều kiện cụ thể của địa phương, UBND xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, khu thương mại… triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo đảm chất lượng, số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh những quyền lợi của người tiêu dùng, luật cũng quy định các nghĩa vụ như phải tự bảo vệ mình trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đúng và đầy đủ các hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ; kiểm tra hàng hoá trước khi nhận hàng hoá; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không gây tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và cộng đồng. Đồng thời, phải thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản cho người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Luật cũng quy định rõ, khi phát hiện hành vi vi phạm, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện hoặc cơ quan Nhà nước được phân công nơi thực hiện giao dịch giải quyết. Khi nhận được yêu cầu của người tiêu dùng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm yêu cầu các bên giải trình, cung cấp thông tin, bằng chứng hoặc tự mình xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tăng cường vai trò giám sát của QH
Theo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011, bên cạnh các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét báo cáo công tác của cả nhiệm kỳ khóa 12 của QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... tại kỳ họp thứ hai, QH khóa 13 sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
QH yêu cầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vneconomy, M.H