Ngoài quà tặng trực tiếp thì phiếu mua hàng là một trong những món quà tri ân ý nghĩa doanh nghiệp dành tặng khách hàng. Lợi dụng điều đó, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo. Bằng cách này hay cách khác, họ tìm kiếm thông tin để tiếp cận khách hàng.
Nhiều đối tượng thông qua các tổ chức tín dụng, các kênh bán lẻ...để “mua” thông tin. Từ đó, các đối tượng lừa đảo dễ dàng lấy được lòng tin. Với số lượng thông tin “khủng” có được, các đối tượng dùng chiến thuật “vãi chài” trên diện rộng. Nhiều khách hàng không vượt qua được cám dỗ của các món quà tặng giá trị và đã trở thành “con mồi” béo bở của các đối tượng lừa đảo.
|
Phiếu mua hàng giả các đối tượng lừa đảo đưa cho khách hàng |
Để dễ tiếp cận đối tượng, bọn chúng lấy lý do trước đó khách đã mua hàng và trả góp đúng hạn nên được thưởng. Nhiều người nghe phần quà là phiếu mua hàng 1.500.000 đồng và hai chiếc đồng hồ hàng hiệu nên rất thích thú và đồng ý chi trả tiền thuế và phí vận chuyển khoảng 50 - 70% giá trị món hàng.
Không những thế, các đối tượng còn khéo léo “mượn tay” dịch vụ phát hàng và thu tiền của bưu điện, không yêu cầu chuyển tiền trước để tạo lòng tin cho khách hàng. Tuy nhiên, đến khi nhận hàng thì người dân mới vỡ lẽ bị lừa vì hàng kém chất lượng và phiếu mua hàng giả. Đến lúc này, mọi việc cũng đã quá muộn.
Là “con mồi” được các đối tượng nhắm tới, ông Lê Văn Tâm (51 tuổi, ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhận được điện thoại thông báo trúng thưởng và yêu cầu ra bưu điện nhận hàng. “Nghe điện thoại nói có quà tặng, tôi mượn 500.000 đồng ra bưu điện huyện nhận, định ghé mua đồ luôn. Nào ngờ ra đây mới biết bị lừa”, ông Tâm chia sẻ.
Tương tự, mới đây bà Nguyễn Ngọc Hoa (ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã trình báo cơ quan công an về việc bị lừa đảo 50 triệu đồng. Khoảng tháng 3/2020, bà nhận được cuộc gọi thông báo trúng một xe SH 150cc trị giá 100 triệu đồng. Để nhận xe, bà phải trả 50 triệu đồng thông qua hình thức nạp card điện thoại. Bà chia ra nạp nhiều lần.
Sau mỗi lần, bọn chúng lại hứa sẽ chuyển xe, đồng thời còn chụp biên lai xác nhận đã chuyển xe và yêu cầu bà nạp đủ số tiền theo thoả thuận. Hơn một tuần chờ đợi không thấy xe về, liên lạc các đối tượng không được nên bà đã trình báo công an. Vì mọi giao dịch đều tiến hành thông qua số điện thoại không đăng ký chính chủ, địa chỉ giả, mạo danh tên đơn vị khác nên gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của lực lượng chức năng, đối tượng lừa đảo dần lộ diện.
Một cán bộ công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, “Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi nên khi nhận được thông báo nhận quà qua điện thoại, mạng xã hội cần phải tìm hiểu cặn kẽ. Trước khi thực hiện việc chuyển hay chi trả tiền cần biết rõ lý lịch người tặng, không vì lợi ích trước mắt mà “tiền mất, tật mang”. Theo vị cán bộ công an này, bên cạnh những vụ việc được đưa ra ánh sáng và có sự can thiệp của pháp luật cũng còn không ít người “nhắm mắt” cho qua, bởi tâm lý ngại tố cáo vì xấu hổ và số tiền không quá lớn.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp may mắn hơn, khi nghe tin trúng thưởng họ không vội nhận quà mà tìm hiểu kỹ nguồn gốc quà tặng. Bà Phan Thị Hồng (58 tuổi, ngụ tại Tam Bình, Vĩng Long) cho biết, bà vừa mua điện thoại thì vài ngày sau nhận được cuộc gọi yêu cầu nhận quà. Để biết rõ thực hư, bà đến tận cửa hàng hỏi thì mới biết đó chỉ là một chiêu lừa đảo.
“Nó điện thoại cho cô hỏi đúng tên Phan Thị Hồng, 58 tuổi vừa mới mua điện thoại Samsung A11 không. Nó còn nói cô trúng thưởng kêu cô ra bưu điện huyện Tam Bình đóng phí 400.000 đồng để nhận quà”, bà Hồng nói.
|
Quà tặng kém chất lượng dùng để lừa đảo khách hàng. |
Sau đó vài ngày, có người gọi điện thoại tự xưng là nhân viên cửa hàng thông báo quà đã tới nơi mời bà ra nhận. Biết mình bị lừa, bà nhất quyết từ chối thì đầu dây bên kia giải thích: “Cô cứ yên tâm về phần thưởng, nhân viên bưu điện đã kiểm tra rồi, với lại cô nhận hàng rồi mới thanh toán mà, đâu có mất mát gì đâu. Có nhiều người nhận lắm rồi, cô đừng bỏ qua, rất lãng phí”. Với thái độ cương quyết của khách hàng, đến khi không còn thuyết phục được thì người này cúp máy…. trong cơn tức giận.
Liên quan vấn đề lừa đảo này, nhiều người dân bức xúc vì thông tin của mình bị tiết lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo. Ông Lê Thành Lược (45 tuổi, ngụ Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết: “Bọn chúng hay lắm! Không chỉ biết họ tên, số điện thoại của tôi mà còn biết tôi mua tủ lạnh hiệu gì nữa. Mấy thông tin này đâu có ai biết nên chỉ có thể là cửa hàng tiết lộ thôi”.
Theo ông Lược, thông tin phải được giữ kín để tạo niềm tin và vững tâm cho khách hàng. “Thông tin bị lộ kéo theo đó là những rủi ro và vấn nạn lừa đảo. Vậy ai là người chịu trách nhiệm hậu quả này? Thiết nghĩ, ngành chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn các hành vi này, tạo niềm tin cho bà con”, ông Lược nhấn mạnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.