Thông tin hộ tịch phải bảo đảm chuẩn xác về mỗi cá nhân con người

(PLVN) - Đây là một trong những định hướng được Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đưa ra khi chủ trì cuộc họp đầu tiên vào chiều 26/6 của Ban soạn thảo Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT), đăng ký hộ tịch trực tuyến. 

Khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã nêu một số nội dung cần thảo luận. Cụ thể, CSDLHTĐT này cần những quy định ra sao về bảo mật bởi nếu không bảo mật được thì nguy hiểm vô cùng. Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị phải tập trung bàn nhiều vấn đề kỹ thuật để làm sao xây dựng, khai thác hiệu quả CSDLHTĐT rồi phân cấp quản lý từ Trung ương tới địa phương và kết nối giữa bộ, ngành… là cả một vấn đề kỹ thuật rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu phải đề cao tính bảo mật của CSDLHTĐT
“Hiện nay, chúng ta chưa có mô hình nào để có định hướng theo, trong khi Chính phủ đã khẳng định không có CSDL nào độc quyền cả mà phải chia sẻ, kết nối nhưng phải đảm bảo quản lý được” – Thứ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu với CSDLHTĐT còn phải bảo đảm thông tin chuẩn xác về mỗi cá nhân con người.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng trong bối cảnh CSDLHTĐT đang được triển khai xây dựng theo Đề án xây dựng CSDLHTĐT toàn quốc theo Quyết định 2173/QĐ-BTP.

Sau gần 4 năm thực hiện, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực như xây dựng và mở rộng phạm vi sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, có kết nối với CSDL quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) của Bộ Công an để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh; bước đầu tạo dựng được CSDL hộ tịch từ việc đăng ký các sự kiện hộ tịch mới theo quy định của Luật Hộ tịch; bước đầu kết nối với phần mềm một cửa tại các địa phương để giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch cho người dân.

Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất hiện nay là phần lớn dữ liệu hộ tịch đã thiết lập trước đây đang được lưu trữ tại hệ thống sổ đăng ký hộ tịch tại các địa phương trên toàn quốc đều chưa được số hóa, kể cả đang được lưu tại phần mềm do địa phương và doanh nghiệp tư nhân thực hiện (như phần mềm Misa).

Cục trưởng Nguyễn Công Khanh báo cáo tại cuộc họp Ban soạn thảo

Bên cạnh đó, CSDLQGVDC cũng chưa được triển khai xây dựng đồng bộ; việc kết nối và trao đổi thông tin giữa CSDLHTĐT của Bộ Tư pháp với CSDLQGVDC của Bộ Công an để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh từ năm 2016 đến nay mới chỉ được thực hiện trên cơ sở quy chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng của hai Bộ.

Với bối cảnh như vậy, mục tiêu của việc xây dựng Nghị định là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng CSDLHTĐT hoàn chỉnh, quy định việc kết nối giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC, trong đó quy định cụ thể quy trình kết nối cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh cho trẻ em; quy trình số hóa; cập nhật thông tin hộ tịch từ sổ đăng ký hộ tịch để thiết lập CSDLHTĐT; thẩm quyền, cách thức khai thác, sử dụng CSDLHTĐT; mức độ, cách thức đăng ký các việc hộ tịch theo hình thức trực tuyến.

Nói riêng về lộ trình khai thác, sử dụng CSDLHTĐT, theo ông Khanh, trong bối cảnh cả CSDLQGVDC và CSDLHTĐT toàn quốc đều đang triển khai xây dựng, chưa xác định được thời điểm hoàn thiện, đưa vào vận hành thống nhất, mới chỉ có một phần CSDLHTĐT được thiết lập, chắc chắn chưa thể áp dụng toàn bộ các quy định của Nghị định đối với các việc đăng ký và quản lý hộ tịch ở tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch trên toàn quốc nên Nghị định sẽ có quy định chuyển tiếp theo hướng việc khai thác, sử dụng CSDLHTĐT chỉ áp dụng đối với trường hợp/địa phương đã có CSDLHTĐT.

Đối với việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, trong bối cảnh trình độ dân trí còn chưa đồng đều, tỷ lệ người dân có nhu cầu/khả năng sử dụng thiết bị điện tử để đăng ký hộ tịch trực tuyến còn chưa cao nên quy định về đăng ký hộ tịch trực tuyến sẽ theo hướng cho phép người dân lựa chọn giữa thủ tục đăng ký thông thường và thủ tục trực tuyến.

Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo

Đại diện các bộ, ngành đã nêu nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị định như CSDLHTĐT cần cập nhật những trường thông tin gì, khi thay đổi thông tin thì làm như thế nào… Đáng chú ý, vừa qua, Tổng cục Thống kê đã tiến hành tổng điều tra dân số, nhà ở dù có nhiều thông tin về hộ tịch nhưng một số ý kiến lo ngại về tính trung thực của thông tin do người dân cung cấp, sẽ không đáp ứng yêu cầu chuẩn xác mà Thứ trưởng Ngọc đề ra ở trên. 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Nguyễn Hồng Hải tán thành, thông tin trong CSDLHT thì “phải biết được hiện tại ông A là ai”.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cũng kiến nghị phải quan tâm, chú trọng tính xác thực của thông tin dữ liệu, quản lý khai thác dữ liệu như thế nào. “Chúng ta có thể quy định các trường thông tin dữ liệu cơ bản, nhưng không lường hết được thực tế, có thể thiếu, có thể thừa nên phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng” – bà Nam quan niệm.

Đọc thêm