Nếu phát hiện giữa hai người có sự chênh lệch quá lớn về tuổi tác, như nam hơn nữ từ 20 tuổi trở lên, nữ hơn nam từ 10 tuổi trở lên thì Sở Tư pháp phải yêu cầu người nước ngoài về Việt Nam để phỏng vấn xem việc kết hôn có thực sự là tự nguyện, xuất phát từ tình yêu hay không. Đây là một trong những quy định được đưa ra tại Dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đang được Bộ Tư pháp xây dựng.
|
Ảnh minh họa |
Một số trường hợp khác người nước ngoài cũng phải về Việt Nam để thực hiện phỏng vấn là: Cả hai bên kết hôn lần thứ hai trở lên; người nước ngoài đã kết hôn và ly hôn với vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam; có dấu hiệu đương sự không tự nguyện kết hôn; mục đích, động cơ kết hôn của đương sự không rõ ràng; Có dấu hiệu môi giới kết hôn trái pháp luật; người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chưa có sự hiểu biết về hoàn cảnh gia đình, cá nhân của người dự định kết hôn, về văn hóa, phong tục, tập quán của quốc gia, vùng lãnh thổ người dự định kết hôn cư trú; người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân dự định không có mặt hoặc không thể có mặt khi đăng ký kết hôn tại cơ quan.
Theo ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp căn cứ tình hình cụ thể quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn đối với việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài. Về cách thức, nội dung phỏng vấn cơ bản các ý kiến đều thống nhất, tuy nhiên, về đối tượng phỏng vấn thì còn có ý kiến khác nhau.
Ý thứ nhất cho rằng bản chất của việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định tình trạng độc thân/đã ly hôn/góa vợ (chồng) của người có yêu cầu, nó có tính chất khác với việc đăng ký kết hôn là phải chứng minh tình trạng hôn nhân và sự tự nguyện kết hôn của cả hai bên nam, nữ, do đó nếu có phỏng vấn thì chỉ phỏng vấn phía người có yêu cầu cấp Giấy xác nhận là công dân Việt Nam và cũng nên hạn chế, chỉ phỏng vấn những trường hợp sẽ đăng ký kết hôn vắng mặt tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài như trường hợp dự định đăng ký kết hôn tại Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ý kiến thứ hai cho rằng việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở đây là nhằm mục đích kết hôn, do đó người có yêu cầu đã xác định và biết rõ về “đối tác” của mình. Tình hình công dân Việt Nam cư trú trong nước đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong thời gian qua cho thấy khá phức tạp.
Trên thực tế, ở nhiều tỉnh, thành phố, việc kết hôn tập trung tại một khu vực, có tình trạng tập trung kết hôn với công dân của một nước (như Hàn Quốc) dẫn đến sự biến động, ảnh hưởng nhiều mặt kinh tế - xã hội ở địa phương. Việc kết hôn thường thông qua người giới thiệu, thời gian từ khi quen biết đến khi kết hôn không dài, công dân Việt Nam chưa có đủ sự hiểu biết cần thiết về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật về hôn nhân gia đình của quốc gia mà “đối tác” của mình cư trú, nên không ít trường hợp kết hôn “vội vàng”, rồi phải chịu “hậu quả” do không chuẩn bị kiến thức cần thiết cho cuộc sống sau kết hôn ở nước ngoài.
Chính vì vậy, việc thẩm tra, xác minh, phỏng vấn kỹ lưỡng đối với tất cả các công dân có yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài là cần thiết. Việc phỏng vấn sẽ là cách thức tốt nhất, hiệu quả nhất để làm rõ về sự tự nguyện kết hôn, hiểu biết của công dân Việt Nam về hoàn cảnh cá nhân, gia đình của người dự định kết hôn; về ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật hôn nhân – gia đình của quốc gia, vùng lãnh thổ người dự định kết hôn cư trú; đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để xem xét việc kết hôn có thông qua môi giới trái pháp luật không?. Việc kết hôn có đúng nhằm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc hay không?.
Do việc kết hôn phải là kết quả tự nguyện của cả hai phía nên trong một số trường hợp có dấu hiệu chưa thực sự tự nguyện, chưa có sự hiểu biết cần thiết về “đối tác” hoặc việc kết hôn có tính chất phức tạp (như: hai người có sự chênh lệch lớn về độ tuổi, cả hai đều kết hôn lần thứ hai trở lên, người nước ngoài đã từng kết hôn và ly hôn với vợ/chồng là người Việt Nam …), thì việc phỏng vấn phía người nước ngoài để làm rõ thêm, khẳng định dự định kết hôn là đúng quy định pháp luật, đảm bảo chắc chắn việc kết hôn, sau khi được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, sẽ được công nhận theo quy định pháp luật Việt Nam là cần thiết và đảm bảo quyền lợi của công dân Việt Nam. Đây cũng là lý do Dự thảo Thông tư quy định kỹ lưỡng hơn về vấn đề phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Lan Phương