Thông tin tiếp vụ bệnh nhân tử vong sau tai nạn gãy chân

(PLO) -Như báo PLVN đã thông tin, sáng ngày 22/12/2016, bà Nguyễn Thị Hạt (56 tuổi, ngụ thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) bị tai nạn giao thông gãy chân được chuyển tới bệnh viên đa khoa khu vực Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cấp cứu. Chiều cùng ngày bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai, hôm sau tử vong.
Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên nơi bà Hạt nhập viện

Sau khi bà Hạt qua đời, gia đình nạn nhân mong muốn các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận cuối cùng vụ việc. Đến ngày 17/1/2017, ông Ngô Văn Nhật (60 tuổi, chồng bà Hạt) cho biết vẫn chưa nhận được kết luận từ các cơ quan chức năng về nguyên nhân tử vong của vợ: “Bệnh viện có tới thăm hỏi, về nguyên nhân họ nói phải chờ kết quả mổ tử thi”, ông nói.

Trao đổi cùng ngày với PV, ông Đặng Quang Thanh, Phó giám đốc Sở y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho hay đã thành lập ba đoàn về làm việc với bệnh viện Phúc Yên. Bản thân ông Thanh đã hai lần xuống bệnh viện làm việc. Về nguyên nhân bà Hạt tử vong, ông này nói “chúng tôi nghĩ đến sốc phản vệ”. Còn kết luận cuối cùng phải đợi kết quả phẫu thuật tử thi từ công an huyện Sóc Sơn. Đồng thời bệnh viện Phúc Yên đã có văn bản gửi lên bệnh viện Bạch Mai đề nghị trả lời về nguyên nhân bệnh nhân Hạt tử vong nhưng chưa được hồi âm. Sau khi có hai quyết định trên, Sở sẽ xem xét cụ thể.

Vẫn theo lời ông Thanh, trong các lần làm việc, Sở y tế quán triệt với bệnh viện tuân thủ quy trình kĩ thuật chuyên môn, giao bệnh viện kiểm điểm. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý thích đáng.  

Trả lời nghi vấn về việc bệnh viện Phúc Yên chuyển tuyến muộn dẫn đến khả năng cứu sống bệnh nhân thấp? Ông Thanh giải thích khi bệnh nhân xảy ra sốc, tim ngưng đập thì bác sĩ phải cấp cứu, duy trì các thông số, chỉ số ổn định mới chuyển tuyến được. Thứ hai, trong khi bệnh nhân xảy ra sốc, bệnh viện Phúc Yên đã liên hệ với bệnh viện Bạch Mai xin ý kiến chỉ đạo phối hợp trong điều trị, chỉ đạo cả thời gian chuyển viện chứ các bác sĩ bệnh viện Phúc Yên không tự ý chuyển:

“Ở Mĩ mỗi năm có 250 ngàn ca tai biến y khoa, ở việt Nam còn nhiều hơn. Đây là bài học đau xót, cần rút kinh nghiệm. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu giảm tỉ lệ tai biến xảy ra”. Về việc Sở đã báo cáo Bộ y tế chưa, ông Thanh trả lời khi nào văn bản đề nghị của Bộ về tới sẽ có báo cáo.

Đọc thêm