Thủ đoạn 'rửa tiền' của tổ chức tội phạm Jibian

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lần theo dòng tiền của bị hại Nguyễn Thi, CQĐT xác định có 2 nhóm người Việt Nam đã tham gia “rửa tiền” cho Bộ phận 777pay của đường dây Jibian bằng cách mua bán USDT (tiền điện tử).
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm. (Ảnh: Hồng Mây)
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm. (Ảnh: Hồng Mây)

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong số báo trước, từ trình báo bị lừa chiếm đoạt gần 20 tỷ đồng của chị Nguyễn Thi (SN 1985, ngụ Hà Nội) qua việc chuyển tiền để thực hiện công việc kế toán online, CQĐT xác định, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị Thi đã câu kết, thuê 777pay rửa tiền.

Lần theo dòng tiền của chị Thi, công an đã bắt được 21 người, trong đó có Phan Văn Minh (SN 1978, ngụ TP HCM, là Giám đốc Cty TNHH Sản xuất gia công TMDV Minh Phúc) và Đinh Văn Hùng (SN 1997, quê Ninh Bình). Đây là 2 người điều hành 2 đường dây “rửa tiền” cho 777pay.

Theo cáo trạng, Minh làm nghề buôn bán tiền ngoại tệ tự do. Đến 2016, Minh thành lập Cty, sau đó bắt đầu hoạt động “rửa tiền” cho khách thông qua hình thức mua bán USDT; bằng hình thức nhận tiền VNĐ qua tài khoản ngân hàng, cho nhân viên đi rút tiền mặt giao cho khách hoặc chuyển đến tài khoản ngân hàng do khách chỉ định.

Minh lấy tên trên mạng xã hội là nhà “Minh Phúc 98”, chủ động tìm các đối tác bên Campuchia có nhu cầu “rửa” tiền VNĐ. Sau đó, Minh tìm được 4 khách tại Campuchia là các cơ sở chuyên dịch vụ rửa tiền. Khi các khách hàng trên cần rửa tiền, sẽ liên hệ, chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng do Minh hoặc kế toán chỉ định.

Với giao dịch nhận tiền mặt, Minh chỉ đạo nhân viên đứng tên mở tài khoản, sử dụng căn cước công dân ra ngân hàng rút tiền, mang về. Khách gửi thông tin của người đến giao dịch nhận tiền mặt (thông tin số điện thoại), gửi ảnh chụp số seri của 1 tờ tiền nào đó và địa chỉ giao dịch, Minh sẽ cử nhân viên mang tiền đến điểm hẹn, gọi vào số điện thoại đã chỉ định để giao dịch. Người nhận tiền sẽ đưa cho nhân viên của Minh tờ tiền có số seri đã gửi để xác nhận giao dịch.

Với giao dịch chuyển khoản, khách sẽ chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng do nhóm Minh quản lý, sau đó yêu cầu nhóm Minh chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau. Cuối ngày, người của Minh sẽ thống kê số tiền đã giao dịch trong ngày, lợi nhuận thu được để Minh theo dõi.

Mỗi ngày, Minh giao dịch rút tiền mặt từ 20 - 150 tỷ đồng. Số tiền duy trì hoạt động hàng ngày của Minh trung bình từ 1 - 2 triệu USD (gồm USD, VNĐ và USDT).

Với số tiền hơn 8,2 tỷ đồng chiếm đoạt được của chị Thi mà 777pay chuyển đến, được nhóm Minh chuyển khoản đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Khi thực hiện các công việc trên, nhân viên của Minh đều nhận thức được nguồn tiền do vi phạm pháp luật mà có.

Kết quả điều tra xác định số tiền phí do nhóm Minh thu được từ việc luân chuyển khoản tiền hơn 8,2 tỷ đồng từ Bộ phận 777pay chuyển đến là hơn 4,1 tỷ đồng.

Với Hùng, CQĐT xác định, sau khi nghỉ việc ở Tổ tài vụ của 777pay, Hùng thành lập đường dây “rửa tiền” do mình điều hành. Đầu tháng 8/2022, Hùng liên lạc với Mặc Bình Hưng (Tổ phó Tổ tài vụ) nói mình có khả năng đổi VNĐ sang tiền điện tử USDT. Hưng trao đổi với quản lý của Bộ phận 777pay là Tan Zhi Bao (tức Gulang) để cho nhóm Hùng đổi tiền điện tử USDT cho 777pay.

Hùng và Hưng thỏa thuận Hùng báo giá chênh hơn 100 VNĐ/1 USDT, Hưng hưởng lợi 40%, Hùng hưởng lợi 60% tiền chênh lệch này. Cuối tháng Hùng sẽ tổng kết và trả cho Hưng một lần. Sau đó, Hùng thuê Lê Trần Việt Anh và Nguyễn Văn Luận làm nhiệm vụ mua USDT cho mình.

Sau khi nhận tiền từ 777pay chuyển để mua USDT, người của Hùng sẽ chuyển cho đối tác để mua USDT. Nhận lại số USDT tương ứng ở ví điện tử, nhân viên của Hùng “cắt” lại số USDT chênh lệch, rồi chuyển cho nhóm 777pay qua 2 địa chỉ ví điện tử.

Trong các ngày 26/8/2022 đến 30/8/2022, các tài khoản của nhóm 777pay đã chuyển cho Hùng gần 14 tỷ đồng (trong dòng tiền chiếm đoạt của chị Thi). Nhận tiền, nhóm của Hùng đã chuyển hơn 13,3 tỷ đồng đến tài khoản của đối tác để mua 574.986 USDT. Nhóm của Hùng sau đó đã chuyển lại số USDT đã mua cho 777pay qua 2 ví điện tử.

Quá trình làm việc, Việt Anh và Luận được Hùng cho biết nguồn gốc tiền do vi phạm pháp luật, lừa đảo hoặc đánh bạc mà có. Cả hai biết USDT và các loại tiền kỹ thuật số khác có tính ẩn danh, không truy xuất được nguồn gốc người chuyển tiền, mục đích các đối tượng sử dụng tiền vi phạm pháp luật mà có để mua bán USDT nhằm che giấu nguồn gốc số tiền, không truy xuất được nguồn gốc tài sản; sau khi nhận được tiền các đối tượng có thể dễ dàng luân chuyển khắp nơi, chuyển ra nước ngoài mà không bị kiểm soát; nhưng vẫn thực hiện.

Kết quả điều tra xác định Hùng thu lợi bất chính 257 triệu đồng (trong đó thu 2.370 USDT, tương đương hơn 57 triệu đồng là phí “cắt” lại từ nguồn tiền lừa của chị Thi). Việt Anh thu lợi bất chính 22 triệu đồng. Luận thu lời bất chính 17 triệu đồng.

Ngày 15/4, đưa vụ án ra xét xử, do một bị cáo phải đi cấp cứu và do vắng người có quyền lợi liên quan chưa rõ lý do nên HĐXX TAND Hà Nội quyết định hoãn phiên tòa.

Đọc thêm