Thu hồi 25 dự án tại Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi tiến hành thanh tra, Sở KT&ĐT Thái Nguyên đã kiến nghị UBND tỉnh thực hiện thu hồi 25 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Trong những năm qua, Thái Nguyên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực triển khai các dự án lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai một số dự án, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đã xuất hiện một số hạn chế, bất cập.

Theo Luật Đầu tư năm 2020, các dự án sau 12 mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đăng ký thì chưa thể chấm dứt hoạt động dự án ngay. Cơ quan quản lý nhà nước muốn chấm dứt hoạt động dự án đầu tư thì trước đó phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về đầu tư, nếu nhà đầu tư tiếp tục vi phạm thì sẽ bị ngừng hoạt động dự án. Trong trường hợp nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động thì mới bị chấm dứt hoạt động dự án.

Nguyên nhân thu hồi được Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên (Sở KH&ĐT) cho biết, do chậm tiến độ nhiều năm, chưa có hoặc chưa hoàn thiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, môi trường, nhà đầu tư không tích cực trong phối hợp bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư...

Trong danh sách các dự án bị kiến nghị thu hồi có nhiều dự án chậm tiến độ kéo dài như: Dự án Nhà máy cơ khí đúc Hoàng Long tại Cụm công nghiệp Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên của Công ty cổ phần tư vấn và sản xuất công nghiệp Hoàng Long với tổng vốn đầu 23,5 tỷ đồng, được Sở Công Thương Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 5/2011; Dự án Khu đô thị Royal Eco City của Công ty cổ phần du lịch thương maị và đầu tư Bắc Thăng Long tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên với tổng đăng ký đầu tư 388 tỷ đồng, chậm tiến độ hơn 11 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận đầu tư; dự án Nhà máy luyện gang Anh Thắng tại xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ do Công ty TNHH một thành viên khoáng sản và bất động sản Anh Thắng làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 2/2008 nhưng đến thời điểm kiểm tra đã chậm tiến độ 11 năm, vi phạm quy định của Luật đầu tư 2020...

Qua quá trình kiểm tra thực tế, các tổ kiểm tra còn kiến nghị thực hiện thanh tra toàn diện một số dự án có nhiều sai phạm, điển hình như Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Trung Thành của Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Lệ Trạch do dự án chưa được đầu tư khu xử lý nước thải, quan trắc định kỳ nhưng đã có 7 dự án đang hoạt động tại khu công nghiệp này, các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án thứ cấp không được kiểm soát, vi phạm quy định về quản lý xây dựng; Dự án xây dựng khu nhà ở xã hội Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên của Công ty cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Anh Hiếu vì đến thời điểm hiện tại, dự án chưa hoàn thành, chưa thực hiện các thủ tục về đất đai theo quy định, chậm tiến độ 6 năm...

Theo đại diện Sở KH&ĐT Thái Nguyên, thời gian tới các tổ kiểm tra tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra từng dự án, đánh giá rõ kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm, đồng thời đề xuất xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Trước ngày 1-1-2021, khi Luật Đầu tư 2020 chưa có hiệu lực thi hành, các dự án có sử dụng đất đều phải tuân thủ theo Luật Đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013. Trong khi cùng nội dung liên quan đến thu hồi dự án, 2 văn bản luật này có phần chưa thống nhất với nhau, dẫn đến cơ quan chức năng gặp khó khi thực hiện.

Điều 48 Luật Đầu tư 2014 quy định, sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện, hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư, và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện theo Điều 46, dự án này bị thu hồi và chấm dứt hoạt động.

Thế nhưng, do liên quan đến quyền sử dụng đất trước đó chủ đầu tư đã được giao, thuê nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai 2013. Điều 64 của luật này lại quy định nếu chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ lúc được giao đất, cho thuê đất, được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng.

Lúc này chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.

Như vậy, cơ quan cấp phép giấy chứng nhận đầu tư không thể tự ý tiến hành thu hồi giấy phép đã cấp, cho dù chủ đầu tư đã vi phạm tiến độ thực hiện dự án. Đây là bất cập điển hình khiến các cơ quan chức năng gặp khó trong việc xử lý.

Thế nhưng, sau ngày 1-1-2021, vấn đề xung đột về luật pháp đã không còn, khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực. Tại Điểm D Khoản 2 Điều 48, quy định việc thu hồi dự án lúc này sẽ theo quy định của việc vi phạm Luật Đất đai. Như vậy, sẽ quay về Điều 64 của Luật Đất đai 2013 để làm cơ sở thu hồi dự án.

Về bản chất, dự án chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện xuất phát từ nhiều lý do, trong đó lý do chính nằm ở năng lực tài chính của chủ đầu tư, vào nhu cầu thị trường của sản phẩm chủ đầu tư mong muốn và hướng đến.

Việc vướng cơ chế về hành lang pháp lý chỉ là vấn đề nhỏ trong việc này. Bởi đến nay nếu áp dụng tất cả quy định đã và đang có, việc thu hồi dự án sẽ không khó. Vì có rất nhiều dự án đã treo hơn 10 năm vẫn đủ cơ sở để thu hồi.

Đọc thêm