Theo ông trình bày thì hiện ông đang vay người khác số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 20%/tháng. Trong trường hợp này, chúng ta có những vấn đề cần giải quyết cụ thể sau:
Thứ nhất: Về mức lãi suất cho vay, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về lãi suất vay như sau: “1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng sẽ là: 20% : 12 tháng = 1,666%/tháng.
Như vậy, ông và phía bên cho vay thỏa thuận lãi suất 20%/tháng đã vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép. Khi xảy ra tranh chấp thì pháp luật không thừa nhận và không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá đó. Đồng thời mức lãi suất 20% mà ông và bên cho vay thỏa thuận hiện tại đã đủ cấu thành tội cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, Điều 201 (Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự) quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Như vậy, bên cho vay có thể sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp bên vay không trả được nợ và phía bên cho vay khởi kiện ra tòa án thì pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép. Phần vượt quá lãi suất sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, ông bị đe dọa, quấy rối bởi bên cho vay nặng lãi, do bên cho vay đã có những hành động như xịt sơn đỏ, ngắt dây camera, nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa gia đình ông. Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Ông có thể lưu giữ lại những tin nhắn, cuộc gọi có nội dung xúc phạm, đe dọa gia đình ông làm bằng chứng tố cáo hành vi làm nhục người khác để đảm bảo an toàn và quyền lợi của gia đình ông.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn