Thủ lĩnh của nông dân xã Đạ Pal - Đạ Tẻh

Nói đến thủ lĩnh nông dân của xã Đạ Pal, Đạ Tẻh là người ta thường nói tới ông Đỗ Trường Sơn, Chủ tịch Hội nông dân của xã.

Nói đến thủ lĩnh nông dân của xã Đạ Pal, Đạ Tẻh là người ta thường nói tới ông Đỗ Trường Sơn, Chủ tịch Hội nông dân của xã. Trong những năm qua, ông đã cần cù, chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và sưu tấm thử nghiệm nhiều loại cây, con giống để góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp bà con nông dân địa phương vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững.

Năm 1986, theo tiếng gọi cửa Tổ quốc, ông Đỗ Trường Sơn đã dẫn đầu đoàn 68 hộ dân xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, Nam Định đi khai hoang mở đất, làm kinh tế mới trên đất Lâm Đồng. Xa quê hương với hai bàn tay trắng, trên vùng đất mới, ông Đỗ Trường Sơn đã động viên khuyến khích bà con nhân dân chịu khó, chịu khổ cùng khai phá đất hoang để trồng lúa, trồng mì đảm bảo cuộc sống và xây dựng quê hương mới. Với bản tính cần cù, chịu khó và luôn gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, nên được bà con tin tưởng bầu làm Tập đoàn trưởng, Tập đoàn sản xuất 19 của bà con dân kinh tế mới (tương đương với thôn bây giờ). Đến năm 2003, xã Đạ Pal được thành lập, ông lại được bầu làm chủ tịch Hội nông dân của xã từ đó đến nay. Là một thủ lĩnh của nông dân trong xã, ông đã luôn băn khoăn trăn trở làm sao để có cách làm hay, tìm con gì, cây gì để nuôi, trồng hiệu quả, giúp bà con nông dân có thu nhập và cuộc sống ổn định. Chính vì vậy mà ông luôn tất bật với công việc và luôn tranh thủ thời gian để nuôi trồng, thử nghiệm các loại giống cây, con mới để áp dụng cho bà con.

Chúng tôi tìm đến nhà ông vào ngày nghỉ chủ nhật, tuy đã có hẹn trước, nhưng vất vả lắm mới gặp được ông. Với dáng người rắn rỏi và nước da sạm nắng, khỏe mạnh, ông tiếp chúng tôi  ngay trên trang trại và cũng là “Vườn thí nghiệm” của ông. Gọi trang trại của ông là “Vườn thí nghiệm” cũng đúng, vì những giống cây, con mới vừa thu thập được ông đều dùng trang trại, vườn nhà mình để nuôi, trồng thí điểm, nếu thành công mới áp dụng cho bà con nông dân địa phương. Xã Đạ Pal, có gần 100 ha đất trồng dâu nuôi tằm, và chính quyền địa phương cũng xác định, cây dâu, con tằm là là mũi nhọn phát triển kinh tế của xã. Nhưng lâu nay bà con vẫn trồng cây dâu bầu đen giống cũ, lá nhỏ khó hái, năng suất thấp, nên “lão nông” Đỗ Trường Sơn đã chủ động liên hệ với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, để đưa về trông khảo nghiệm 1ha giống cây dâu mới S7/CB và VA/201. Sau khi trồng khảo nghiệm, ông đã thu được kết quả 2 loại cây dâu giống mới này năng suất gấp 3 lần so với cây dâu giống cũ. Một ưu điểm nữa của loài dâu giống mới này là lá to, dễ hái tiết kiệm được thời gian cho người nông dân. Ngoài cây dâu, một số giống cây khác cũng đã được ông Đỗ Trường Sơn trồng khảo nghiệm thành công và áp dụng rộng rãi cho bà con nông dân địa phương như: Cây điều ghép, cây cao su tiểu điền, cây măng cụt… Với tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực hết mình vì bà con nhân dân địa phương, ông chủ tịch hội nông dân của xã đã giúp cho bà con nông dân thực thiện nhiều mô hình chăn nuôi trồng trọt có hiệu quả như: mô hình nuôi tôm càng xanh, mô hình nuôi tằm con tập trung, mô hình trồng cây dâu lai giống mới,  mô hình trồng cây quýt đường, mô hình trồng cây cao su trên đất đồi thay thế rừng nghèo kiệt… Ông cũng đã nhiều lần tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân trong xã đi tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả ở các địa phương khác trong và ngoài huyện, để họ trở về áp dụng trên địa bàn xã. Hàng năm, ông Đỗ Trường Sơn cũng đã chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hội thảo đầu bờ cho người dân trong xã học tập trao đổi kinh nghiệm phục vụ chăn nuôi, sản xuất. Với tấm lòng tương thân tương ái, trong những năm qua, gia đình ông cũng đã giúp đỡ cho nhiều hộ gia đình khó khăn trong xã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Gia đình ông đã giúp đỡ họ cả về cây con giống, vốn phát triển sản xuất và hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt. Bản thân ông cũng không ngừng học hỏi, tham khảo, đúc rút kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt để truyền đạt lại cho người dân trong xã. Ông cũng đã đi tìm đầu ra để tiêu thụ cho các sản phẩm của bà con nhân dân trong xã như, hạt điều, sầu riêng, kén tằm... để người dân bán được giá nâng cao thu nhập. Ông cũng là người đầu tiên trong xã đầu tư mua sắm máy vi tính, nối mạng internet để tra cứu thông tin cung cấp miễn phí cho người dân địa phương.

Ông Đỗ Trường Sơn không chỉ là một thủ lĩnh nông dân trong xã mà còn là một người năng nổ, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của địa phương. Trong những năm qua, ông đã tích cực tuyên truyền người dân hiến đất xây dựng các công trình dân sinh công cộng, phúc lợi xã hội tại địa phương. Miệng nói tay làm, gia đình ông đã gương mẫu đi đầu hiến 500m2  đất để xây dựng Hội trường thôn Xuân Phong, ủng hộ gần 6 triệu đồng tiền mặt để giúp thôn đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu thôn Xuân Phong và nâng cấp trục đường trong thôn. Ngoài ra, gia đình ông cũng đã hiến gần 400 m2  đất để xây dựng trường tiểu học cho các các em học sinh địa phương tại thôn Hòa Bình.
Nhận xét về “lão nông”, Đỗ Trường Sơn, ông Phan Đức Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Pal cho biết: “Ông Đỗ Trường Sơn là một đảng viên gương mẫu, là một nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Ông không chỉ làm giàu cho bản thân mình, mà còn đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương như, giúp đỡ nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp đỡ các hộ gia đình khác phát triển, đóng góp công sức, tiền của để góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Ông xứng đáng là một tấm gương điển hình tiêu biểu trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Duy Nguyễn

Đọc thêm