Thử máy cắt lúa, bị đứt gân chân

Lúc máy nổ, anh phong đứng bên cạnh, bất ngờ lưỡi cưa của máy văng vào chân, cắt đứt gân ống quyển chân phải. Sau 2 lần phẫu thuật nối gân chân do lưỡi máy cắt lúa cắt đứt không thành, anh Nguyễn Minh Phong (ngụ thôn 8, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) buộc phải về nhà với cái chân đang ngày một teo lại, có nguy cơ tàn phế.

Sau 2 lần phẫu thuật nối gân chân do lưỡi máy cắt lúa cắt đứt không thành, anh Nguyễn Minh Phong (ngụ thôn 8, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) buộc phải về nhà với cái chân đang ngày một teo lại, nguy cơ tàn phế.

Theo lời kể của gia đình nạn nhân, ngày 21/4, anh Phong đến cửa hàng Hùng Tiến ở địa chỉ 677 Phan Châu Trinh (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) để mua máy cắt lúa về phục vụ cho mùa gặt cận kề.

Sau khi thỏa thuận giá cả, chủ cửa hàng đem máy ra lắp ráp, cho máy chạy thử.

Lúc máy nổ, anh Phong đứng bên cạnh, bất ngờ lưỡi cưa của máy văng vào chân, cắt đứt gân ống quyển chân phải.

Chủ cửa hàng là ông Huỳnh Quang Tiến liền đưa anh Phong đi cấp cứu ở Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ.

ganchan
Sau 2 lần phẫu thuật, gân chân của anh Phong vẫn không được nối liền.

Tại đây, bác sĩ phẫu thuật nối gân lại cho anh Phong đã hai lần, nhưng gân vẫn bị “tụt”, không nối liền.

Gia đình anh Phong yêu cầu Bệnh viện Tam Kỳ phải chuyển anh Phong lên  Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.

Tại đây, các bác sỹ cho biết, gân anh Phong đã tụt từ lúc nào, trước mắt bệnh viện chữa lành vết thương phía ngoài, vì để lâu ngày vết thương lở loét.

Phẫu thuật nối gân không thành, anh Phong buộc phải về nhà với cái chân đang ngày một teo lại, nhưng gia đình khốn khó không có tiền để chuyển viện chữa trị…

Anh Phong ấm ức nói: “Tôi là hộ nghèo, đi mua máy cắt lúa về làm, ai ngờ lại xui xẻo đến vậy. Tôi là lao động chính trong nhà, nuôi mẹ già tàn tật và hai con nhỏ. Vợ tôi cũng làm nông, mấy bữa ni phải chạy mượn tiền đem xuống lo viện phí. Cửa hàng bán máy đã gây thương tích cho tôi, ngoài 2 lần đưa tiền thì chẳng thấy đến hỏi thăm thêm lần nào nữa”.

Theo ghi nhận được biết, hôm xảy ra sự việc, ông Tiến đưa anh Phong đi cấp cứu và đóng viện phí 500.000 đồng. Sau đó, gia đình anh Phong ở Bắc Trà My xuống, ông Tiến đưa thêm 500.000 đồng.

“Giờ tôi tàn phế, chân cử động không được, đi bằng nạn. Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong vấn đề thương tật của tôi?”, anh Phong bức xúc nói.

Ông Huỳnh Quang Tiến, Chủ cửa hàng bán máy cho anh Phong cho biết: “Khi anh Phong bị lưỡi cưa cắt đứt gân chân, tôi đã chuyển anh vào viện và lo chi phí ban đầu. Lúc anh Phong  chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, tôi có điện thoại cho anh Phong nói gửi thêm anh 2 triệu đồng để anh lo tiền thuốc men nhưng anh không lấy, anh Phong nói để đợi Công an giải quyết. Vào ngày 6/7 vừa rồi, Công an phường Hòa Hương có gọi tôi lên làm việc với gia đình anh Phong, nhưng gia đình anh Phong đòi bồi thương 20 triệu đồng, ngoài ra còn phải lo thêm 5 triệu tiền công và ăn uống mà gia đình thuê người nuôi anh Phong. Quả thật mức bồi thường này là khó đối với tôi”.

Ông Tiến cho biết thêm, nếu anh Phong đi Huế để chữa bệnh thì ông sẽ hỗ trợ tiền chi phí đi lại cho anh Phong.

Theo Công an phường Hòa Hương, vụ việc xảy ra hơn 1 tuần thì người thân của anh Phong mới thông báo. Công an phường đã lấy lời khai của cả anh Phong và ông Tiến để tiến hành điều tra và kêu gọi hai bên thỏa thuận đền bù dân sự…

Trương Gia Hân

Đọc thêm