Hiện có hàng chục doanh nghiệp thu mua và chế biến thủy sản hoạt động trên địa bàn Cát Hải như các Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải, TNHH Quang Hải, Đức Giang, Hải Nam... Do vậy, nhu cầu cả lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng rất lớn. Mặt khác, nhiều công ty, doanh nghiệp ở nơi khác đến ngư trường Cát Bà thu mua thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc thu mua lại diễn ra trên các ngư trường theo phương thức người dân đánh bắt bán trực tiếp cho các “đầu mối” của công ty, doanh nghiệp. Do vậy có tình trạng tranh mua, tranh bán xảy ra trên ngư trường Cát Bà trong bối cảnh các doanh nghiệp chế biến thủy sản cần một sản lượng nhất định để phục vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm. Trong khi đó, lượng đánh bắt thủy sản ngày càng có xu hướng giảm bởi khó khăn về vốn đóng mới phương tiện, ngư trường cạn kiệt... Mặt khác, chính việc nguồn cung không đủ cầu dẫn đến một thực tế là doanh nghiệp tại chỗ của huyện Cát Hải phải đi nơi khác mua nguyên liệu trong khi nhiều doanh nghiệp nơi khác lại về ngư trường này “tranh mua”. Về lý thuyết, điều đó có lợi cho người khai thác, nhưng trên thực tế, giá các doanh nghiệp xuất khẩu mua của ngư dân không thể cao hơn, vì họ còn nhiều chi phí khác như phí bến bãi, phí vận tải, phí xuất nhập khẩu, phí nhân công…
|
Làm chượp mắm tại Công ty CP Chế biến thủy sản Cát Hải Ảnh: Duy Lân |
Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải Vũ Văn Cao cho biết, năm 2010, công ty có kế hoạch mua ít nhất 2 nghìn tấn nguyên liệu phục vụ chế biến. Tuy nhiên, đến hết tháng 9, số lượng thu mua mới đạt 1,4 nghìn tấn. 600 tấn còn thiếu, theo ông Cao, ngư trường Cát Bà không thể đáp ứng được. Do vậy, công ty phải điều chỉnh phương án, đưa đội thu mua lặn lội vào Nam để có thể đáp ứng đủ nguyên liệu làm chượp phục vụ sản xuất mắm. Khi đó, công ty không những khó khăn về nhân lực, phương tiện thu mua, chi phí cao mà quan trọng hơn là không chủ động được nguồn nguyên liệu. Thậm chí, việc không quen ngư trường và thị trường cung cấp nguyên liệu chắc chắn là một trở ngại không nhỏ đối với đội thu mua của công ty. Thậm chí, việc tranh mua, tranh bán ở ngư trường khác dễ có thể xảy ra. Nền kinh tế thị trường, rất khó ràng buộc người bán phải cung cấp cho người này hay công ty nọ, mà ai trả giá cao hơn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề theo nhiều chủ doanh nghiệp thu mua là phải đến tận ngư trường, gặp các chủ phương tiện để thu mua. Điều này có thể được lợi về giá vì “mua tận gốc” nhưng thiếu sự liên kết hoặc một cam kết để bảo đảm nguồn thủy sản đủ theo hợp đồng giữa các doanh nghiệp và người cung cấp.
Thị trường thủy sản không có tính ổn định mà phụ thuộc vào mùa vụ. Cát Hải cũng không nằm ngoài quy luật đó nên các doanh nghiệp gặp khó trong thu mua nguyên liệu. Toàn huyện Cát Hải trong 9 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản chỉ đạt 2.690 tấn. Mặc dù sản lượng tăng 14% so với cùng kỳ, nhưng chỉ ngang bằng nhu cầu về nguyên liệu của Công ty cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải. Tính cả sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của huyện Cát Hải 9 tháng qua là 3.420 tấn thì “cung” vẫn quá thiếu so với “cầu” của hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài Cát Hải đến đây thu mua.
Từ thực tế trên, để góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng Cát Hải trở thành trung tâm dịch vụ thuỷ sản và hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ, việc trước tiên là có những biện pháp giúp ngư dân yên tâm về đầu ra, không phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp như hiện nay. Mặt khác, tạo ra “thị trường” mua bán thủy sản lành mạnh, hạn chế khó khăn, vướng mắc như hiện nay.
Văn Lượng