Thư ngỏ gởi ngài Cao Quang Ánh

Thưa ngài Cao Quang Ánh, tôi là Nguyên Châu, một công dân của thành phố Đà Nẵng, vừa được biết Ngài và một vài vị nghị sĩ Mỹ hôm 18-8-2010 (theo giờ Mỹ), tiến hành cái gọi là cuộc điều trần về vụ việc xảy ra hồi tháng 5 vừa qua tại thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng của chúng tôi.

Thưa ngài Cao Quang Ánh, tôi là Nguyên Châu, một công dân của thành phố Đà Nẵng, vừa được biết Ngài và một vài vị nghị sĩ Mỹ hôm 18-8-2010 (theo giờ Mỹ), tiến hành cái gọi là cuộc điều trần về vụ việc xảy ra hồi tháng 5 vừa qua tại thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng của chúng tôi.

Theo như ngài nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Vụ Cồn Dầu là một trong những sự vi phạm của chính quyền Việt Nam. Chắc chắn chúng tôi cũng sẽ nêu ra những vụ việc như vụ Đồng Chiêm, Bát Nhã, và tại những khu vực khác. Buổi điều trần này không phải về Cồn Dầu không, nhưng vì tình trạng mới xảy ra ở Cồn Dầu nên đó là một trong những vấn đề hiện tại mà chúng tôi phải chú ý tới. Nói chung, mục đích chính là để chúng tôi có thể hiểu biết thêm về những hành động của chính quyền Việt Nam ảnh hưởng tới tự do tôn giáo tại Việt Nam trong 2, 3 năm qua”.

Thưa ngài dân biểu Mỹ gốc Việt Cao Quang Ánh!

Đất nước thống nhất tròn 35 năm, thành phố Đà Nẵng cũng như cả nước Việt Nam ngay sau năm 1975 đều bị tàn phá nặng nề bởi hai cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu của thực dân và đế quốc. Hơn 3 triệu người Việt Nam đã hy sinh vì lý tưởng tự do và khát vọng độc lập, hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chiến tranh để lại. Riêng Đà Nẵng, vốn là căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ, nên ngoài các kho vũ khí, các căn cứ quân sự, các doanh trại quân đội, sân bay, bến cảng để phục vụ cho chiến tranh xâm lược thì có gì hơn cho người dân sinh sống? Trong khi đó bao quanh bốn bề, hàng ngàn hộ dân phải sống trong những căn nhà ổ chuột, trong những vùng ven mà những tiện nghi tối thiểu cũng là điều xa lạ. Thôi không nói đến những nhà cao, cửa rộng, những phố xá khang trang của một đô thị hiện đại, mà ngay cả những điều kiện cơ bản như học hành, chữa bệnh cũng là điều mơ ước.  

Để xây dựng lại một Đà Nẵng gần như không có tiềm năng công nghiệp, nông nghiệp lạc hậu, đời sống người dân bấp bênh, đường sá hư hỏng, xuống cấp... để tạo dựng nên cơ đồ khang trang, đàng hoàng, to đẹp, để cho người dân có cái ăn, có nơi ở đàng hoàng thì người Đà Nẵng phải làm gì thưa ngài? Chẳng lẽ người dân Đà Nẵng chúng tôi lại tiếp tục mãi mãi sống trong những ngôi nhà chồ xiêu vẹo, chông chênh mãi bên sông Hàn hoặc phải chịu cảnh đói nghèo hay sao? Chẳng lẽ để cho người dân Đà Nẵng chúng tôi phải đối diện với cảnh hằng năm mỗi khi lũ về là nước ngập đến mái, đói cơm lạc muối được chăng? Chẳng lẽ chúng tôi bó tay đi xin viện trợ như chính quyền ngụy trước đây đã làm hay là tự mình đứng lên mở đường, xây cầu, xây nhà, xây các khu du lịch, các khu công nghiệp... nhằm làm cho đô thị Đà Nẵng thật khang trang, phát triển mạnh mẽ, để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, xây dựng một thành phố yên bình, ngăn nắp, người dân hài lòng với cuộc sống?

Để làm việc đó, lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tốn rất nhiều công sức trong việc quy hoạch, tạo nguồn vốn, động viên và tìm sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Hơn 10 năm qua, khi thành phố tập trung tiến hành chỉnh trang đô thị, đã có hơn 92 ngàn hộ dân, vâng xin nói lại là hơn 92 ngàn hộ trên tổng số 250 ngàn hộ dân của thành phố, với hàng trăm ngàn nhân khẩu không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận một phần sự thiệt thòi nào đó để di dời đến nơi ở mới.
 
Dĩ nhiên là thành phố đã đền bù thỏa đáng giá trị công trình và bảo đảm bố trí nơi ở mới, nói chung là tốt hơn nơi ở cũ. Chính nhờ sự đồng thuận và ước vọng chân chính, cao cả đó của người dân đã góp phần làm cho Đà Nẵng có bộ mặt hoàn toàn mới, một tầm vóc mới trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Chỉ qua thực tế tại khu nhà chồ ở Nại Hiên thôi cũng đủ thấy sức sống của công cuộc chỉnh trang đô thị đã làm thay đổi bộ mặt Đà Nẵng biết nhường bao.

Trước đây, hầu hết người dân Nại Hiên sống trong các nhà chồ, các xóm chài chen chúc nhau, chật chội, không có nước sạch, không có nhà vệ sinh... thì nay hầu hết cư dân nhà chồ đã có nhà riêng biệt hoặc tại các khu chung cư cao ráo, sạch sẽ, đủ điện nước sinh hoạt. Con em họ có trường học khang trang, việc đi lại thuận tiện. Hơn thế, các khu neo đậu tàu thuyền cho ngư dân đàng hoàng để đối phó với bão lũ. Hàng trăm Việt kiều có gia đình ở Nại Hiên khi trở về thăm Đà Nẵng đã phải ngạc nhiên thốt lên về sự đổi thay kỳ diệu của Đà Nẵng, của Nại Hiên nơi họ từng gắn bó một thời đói nghèo trước đây.
Xin trở lại câu chuyện về thôn Cồn Dầu mà ngài đề cập. Để mở rộng và  phát triển Đà Nẵng về hướng Nam, thành phố chủ trương hình thành nên khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Với chủ trương này, thành phố nhằm đến hai mục tiêu lớn: biến vùng đất nông nghiệp nghèo nàn nơi đây trở thành khu đô thị sinh thái hiện đại, hấp dẫn không chỉ của thành phố mà của cả nước và quốc tế, để hòa chung vào sự phát triển đi lên mạnh mẽ của Đà Nẵng; và quan trọng hơn là không để cho người dân vùng trũng từ bao đời nay phải chịu cảnh lụt lội, mà gần như năm nào cũng có người chết. Không để cho cái đói, cái nghèo đeo bám nhiều gia đình, không để cho cái khó khăn đi lại dẫn đến chuyện học hành của con em bị  gián đoạn, đời sống thường ngày của người dân bị ảnh hưởng do cách sông, biệt chợ...

Chủ trương đó, việc làm đó của thành phố được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Và việc di dời, giải tỏa không chỉ riêng của khoảng 400 hộ dân ở thôn Cồn Dầu, mà là toàn dân của phường Hòa Xuân với hàng ngàn hộ dân. Thành phố đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân từ bao đời nay gắn bó với mảnh đất này, nay đến nơi ở mới sẽ như thế nào, những lo toan từ việc làm ăn, sinh sống, con cái học hành đến chuyện thờ cúng, cầu nguyện... Chia sẻ với suy nghĩ chính đáng đó, lãnh đạo thành phố đã làm hết sức mình, từ việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho đến quan tâm giải quyết các chính sách ưu đãi theo hướng tốt nhất để người dân có thể an tâm đi đến nơi ở mới, có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Không chỉ có lời hứa, mà thành phố nhanh chóng đầu tư hàng trăm tỷ đồng san lấp mặt bằng, hình thành các khu dân cư, xây cầu qua sông Hàn cho người dân  phường Hòa Xuân đi lại được dễ dàng.

Chủ trương là vậy. Thiện chí là vậy. Nhưng một số phần tử xấu cố tình bưng bít, lôi kéo, kích động bà con giáo dân ở thôn Cồn Dầu quyết không đi đến nơi ở mới. Họ cố tình chống đối bằng mọi cách, từ bày tỏ thái độ phản kháng cho đến việc ngăn cản và hành hung những bà con giáo dân nào dám chấp nhận cho Ban quản lý dự án kiểm định đền bù, giải tỏa. Chính quyền vẫn tỏ thái độ lắng nghe và tiếp tục đối thoại với người dân ở thôn Cồn Dầu trong gần một năm với tinh thần  cởi mở và cầu thị nhất.

Ấy vậy mà họ vẫn cố tình làm ngơ. Không những vậy, khi bà Đặng Thị Tân qua đời, một số phần tử xấu lợi dụng tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, lại được một số thế lực thù địch trong và ngoài nước kích động, tán dương. Họ quyết đưa thi hài bà Tân vào chôn ở nghĩa địa Cồn Dầu đang thuộc diện giải tỏa, trong khi đó gia đình bà đồng ý đưa  thân nhân của mình đi mai táng nơi khác. Dã tâm của họ là cố tình lợi dụng thi hài của người quá cố thành công cụ cho mưu đồ đen tối. Họ biết rất rõ là không thể chôn cất người quá cố vào khu nghĩa trang đang được di dời.

Ý đồ của họ rất cụ thể: khi đã chôn được một ma mới vào nghĩa trang cũng có nghĩa là không có câu chuyện di dời chí ít là phải mất 3 năm sau nữa. Họ tính toán chi li khi buộc chặt quan tài bà Đặng Thị Tân vào trong chiếc xe ba gác, rồi kéo từ nhà thờ ra nghĩa địa Cồn Dầu, với hàng trăm người tiền hô hậu ủng, trên tay là gậy, là dao, là bột ớt, dầu hôi, cả phân thối… để tấn công lại bất kỳ ai dám ngăn cản họ. Trước những hành động quá khích đó, chính quyền phường Hòa Xuân, cùng với quận Cẩm Lệ cử người tới đề nghị cha xứ, linh mục… cùng ra hiện trường để giải thích, can ngăn thì các vị đó cho rằng họ “bó tay”, không thể nào  khuyên bảo được con chiên của họ.

Và khi con chiên có hành vi sai trái, vi phạm pháp luật như vậy mà cha xứ, linh mục không giải thích, khuyên ngăn được thì buộc chính quyền phải ra tay để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương. Đó là lẽ bình thường của bất cứ một quốc gia bình thường nào. Và như mọi người biết, khi lực lượng bảo vệ pháp luật buộc phải ngăn cản, thì ngay lập tức họ tấn công lại một cách quyết liệt bằng tất cả các công cụ có trong tay được chuẩn bị sẵn một cách chu đáo.

Chuyện đó là cái gì , thưa ngài Cao Quang Ánh? 

Ở một xã hội phát triển như Mỹ hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới, các cơ quan công quyền đều được giao nhiêm vụ quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, nếu công dân, dù đó là người có đạo hay người không có đạo, nếu vi phạm pháp luật, tấn công lại các lực lượng cảnh sát, quân đội khi thi hành công vụ, thì bó tay đứng nhìn, để chịu trận hay tiến hành các biện pháp ngăn chặn, kể cả phải bắt giam? Tôi tin rằng tất cả các quốc gia đều sử dụng các công cụ có trong tay để trấn áp, bảo vệ an toàn tính mạng cho mọi người và hơn hết, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật. Chắc ngài cũng đã nghe, đã thấy ở Pháp, ở Đức, ở Anh, ở Thái Lan, Indonesia, và ngay cả ở Mỹ, các lực lượng bảo vệ pháp luật không hề ngần ngại trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật của công dân, và nếu cần dùng cả vũ khí nóng để tiêu diệt những kẻ cầm đầu ngoan cố chống lại chính quyền.

Nhưng điều đáng nói ở đây là vụ việc xảy ra tại thôn Cồn Dầu, phường Hòa Xuân không hề liên quan đến chuyện chính quyền đàn áp tôn giáo nào cả, mà ở đó chính là việc một số phần tử quá khích, lại được sự bao che, kích động từ trong và ngoài nước nhằm lôi kéo công dân để tìm cách chống lại chủ trương của chính quyền trong việc triển khai xây dựng khu đô thị sinh thái. Đồng thời thông qua một vụ việc cụ thể là lợi dụng cái chết của bà Đặng Thị Tân để gây áp lực với chính quyền. Khi gặp phải  thái độ kiên quyết của chính quyền họ quay lại vu cáo, cho rằng tôn giáo bị đàn áp, tự do tín ngưỡng bị đe dọa.

Xung quanh vụ việc Cồn Dầu xảy ra, được chính phóng viên Trà Mi của VOA khi trực tiếp phỏng vấn ngài, cho hay là cả Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Michael Michalak cũng xem vụ Cồn Dầu là chuyện tranh chấp đất đai nội bộ của Việt Nam không liên quan tới vấn đề tự do tôn giáo và từ chối can thiệp, thì hà cớ gì ngài và một số vị bên kia nửa vòng trái đất, không chứng kiến vụ việc, không hiểu rõ đầu đuôi lại lu loa rằng Việt nam đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền? Ngài Đại sứ Michael Michalak là chính gốc Mỹ còn hiểu ra sự việc như vậy, huống chi ngài là công dân Mỹ nhưng lại mang dòng máu Việt lại cố toan tính làm những điều sai trái nhằm vào dân tộc mình, đất nước mình để vì lợi ích của ai đó thưa ngài Cao Quang Ánh?

Hồi tháng 7 vừa qua,  tôi được biết qua báo chí, vợ chồng ngài cựu Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Peter Peterson đến thăm Đà Nẵng, ông tachân thành bày tỏ về sự phát triển một cách ngỡ ngàng của Đà Nẵng. Ngài Peter Peterson còn nói với báo chí là chính quyền thành phố Đà Nẵng làm được rất nhiều việc cho dân, xây được nhiều cầu, nhiều khu đô thị mới, nhất là các khu du lịch biển, du lịch sinh thái. Ngài Peter Peterson còn thổ lộ: “Tôi rất thích về sự phát triển của TP Đà Nẵng những năm gần đây, nếu tiếp tục có những chính sách ưu đãi đầu tư hiệu quả hơn, thì  thời gian tới Đà Nẵng sẽ phát triển tốt, rất có tiềm năng.

Chúng ta chắc chắn sẽ nhìn thấy Đà Nẵng trở thành một thành phố quan trọng của cả nước, và sẽ thu hút được nhiều các nhà đầu tư. Không những thế, Đà Nẵng có khả năng trở thành một thành phố trung tâm của khu vực”. Vợ ngài Peter Peterson đang là giám đốc điều hành một tổ chức thiện nguyện đang giúp cho trẻ em Đà Nẵng và nhiều địa phương khác của Việt Nam tập bơi lội để có thể chống chọi với thiên tai, để tránh những cái chết oan uổng do lũ lụt, do sông nước đó, thưa ngài Cao Quang Ánh!

Ở một góc độ nào đó thì cũng có thể nói cả ngài Peter Peterson lẫn ngài  Michael Michalak, đều là cựu thù của đất nước Việt Nam trong cuộc chiến tranh trước đây. Nhất là ngài Peter Peterson còn là tù binh trong chiến tranh Việt Nam khi máy bay của ông ta bị bắn rơi trong lúc thả bom ở miền Bắc Việt Nam. Vậy mà ông Peter Peterson lại là Đại sứ đầu tiên đến Việt Nam, mang tinh thần hòa giải giữa hai dân tộc trong vai trò một quan chức cấp cao của Washington suốt cả nhiệm kỳ. Khi kết thúc công việc của một Đại sứ, ông vẫn đến Việt Nam du lịch và coi Việt Nam là quê hương thư hai của mình, vì ở đó ông có cả kỷ niệm cay đắng trong mấy năm ngồi tù, lẫn niềm vui thanh thản khi làm tốt chiếc cầu nối  hữu nghị cho hai dân tộc Việt - Mỹ.

Ấy vậy mà ông - ngài Cao Quang Ánh, lại cố tình quay lưng với dân tộc, với đất nước Việt Nam vốn là nguồn cội của mình. Không những vậy ông còn có thái độ hằn học, cay cú khi cố tình xuyên tạc sự thật, lên giọng về dân chủ, nhân quyền, về tự do tôn giáo… Ngài muốn gây áp lực với Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo,  để buộc Chính phủ Việt Nam phải làm theo cách tự do tôn giáo, tự do nhân quyền do phương Tây áp đặt.

Ngài Cao Quang Ánh có biết thế nào là nỗi đau mất nước, nỗi nhục của đói nghèo, nỗi khổ của quyền tự do, dân chủ của cả dân tộc, hay thân phận của từng người dân Việt Nam bị ngoại bang tước đoạt không?  Nhưng  từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, có Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, dân tộc Việt Nam đã đứng lên chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối. Bởi vậy, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu và thấm thía thế nào là tự do dân chủ, thế nào là nhân quyền, thế nào là tự do tín ngưỡng. Vì để có được như ngày nay, hàng triệu triệu người Việt Nam chân chính phải hy sinh xương máu, phải chịu biết bao nhiêu gian khổ, nhất là trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.

Thưa ngài Cao Quang Ánh,

Nhiều người Việt Nam rất vui khi hay tin ông, một người Mỹ gốc Việt đầu tiên trúng cử vào Hạ viện Mỹ. Sự trưởng thành đó là nỗ lực của chính ông và cũng cho thấy người Việt mình đang sinh sống tại nhiều quốc gia trên thế giới đạt được những kết quả đáng khích lệ, sẽ là cầu nối, sẽ cống hiến tài năng cho nước sở tại và góp phần nhỏ nào đó cho Tổ quốc mình. Nhưng kỳ vọng của nhiều người trong nước về ông đã biến thành nỗi thất vọng sâu sắc. Vì hành động đầu tiên của Cao Quang Ánh trên cương vị nghị sĩ Mỹ là phải làm cái gì đó để chống lại dân tộc mình, quốc gia mình, nhân dân mình thì mới hài lòng. Chuyện điều trần của ông sẽ chẳng đi đến đâu, bởi một lẽ đơn giản là nó hoàn toàn không dựa trên nền tảng của sự thật.

Tôi thiết nghĩ rồi một ngày nào đó ngài dân biểu Cao Quang Ánh sẽ nhận ra sự thật và lẽ phải. Vì đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đang đi theo con đường mà mình lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, bởi mục tiêu cao cả của Đảng cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam là làm cho dân Việt Nam giàu, nước Việt Nam mạnh, làm cho xã hội công bằng, dân chủ văn minh chứ không có mục tiêu nào khác hơn, thưa ngài.

Xin gởi đến ngài lời chào.

Nguyên Châu, công dân của thành phố Đà Nẵng

Đọc thêm