Thu nhập bình quân của huyện Na Rì (Bắc Kạn) đạt hơn 17 triệu đồng/người/năm

(PLVN) - Trong những năm qua, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai kịp thời, đầy đủ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đến với đồng bào trong huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Hoàn thiện hệ thống giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Na Rì.

Huyện Na Rì hiện có 05 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống, chiếm khoảng 93% dân số của huyện. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng năm, cấp ủy, chính quyền đều ban hành các nghị quyết, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội; văn bản chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền chính sách về dân tộc, quan tâm công tác cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn. Nhờ đó, đã đạt nhiều kết quả quan trọng về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên.

Ông Nông Quang Kế, Phó Chủ tịch UBND huyện Nà Rì cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của tỉnh, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ.

Qua đó đạt những kết quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 của huyện giảm còn 24,85%; hộ cận nghèo còn 13,56%; thu nhập bình quân đạt hơn 17 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số hạn chế, bất cập như, cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các chính sách;

Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện công tác dân tộc thiếu thống nhất; các chương trình, dự án chính sách dân tộc ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương giao; ngân sách địa phương chưa bố trí kịp thời…

Trong những năm tiếp theo huyện Na Rì tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo cho người dân; chủ động triển khai kịp thời các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện chương trình, đảm bảo chính sách đến với người dân đúng đối tượng và kịp thời.

Riêng năm 2019, từ các nguồn vốn thuộc Chương trình 135, huyện đã triển khai thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ 29 dự án nuôi trâu cái sinh sản, nuôi gà và trồng cây ăn quả.

Thực hiện 10 dự án cho 7 xã để nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với các dự án trồng dong riềng lên luống cao; nhân rộng sản xuất miến tráng tay; nuôi gà thịt; nuôi trâu vỗ béo cho hàng trăm hộ đồng bào trong toàn huyện.

Đối với tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, huyện đã đầu tư 29 công trình giao thông, thủy lợi, công trình giáo dục, nhà văn hóa, nước sinh hoạt tập trung… Hầu hết các công trình đầu tư đều được thực hiện theo đúng quy định và phát huy hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng.

Thực hiện chính sách theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017-2020, huyện đã đề nghị hỗ trợ cho 2.833 hộ, với tổng nhu cầu vốn hơn 59,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, bầu chọn được 233 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, tổ. Đây là những lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Huyện quan tâm thăm hỏi, hỗ trợ bằng tiền và vật chất theo quy định cho người có uy tín; đồng thời duy trì cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2019-2020; cấp ấn phẩm cho các đơn vị trường học, trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú cụm xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đọc thêm