Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Bộ NN&PTNT đặt ra tại cuộc họp tái cơ cấu, giám sát tài chính đối với Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là kiên quyết không để thất thoát vốn nhà nước kéo dài. Tuy nhiên, phương án nào để thu hồi số nợ “khủng” nói trên vẫn chưa được đưa ra từ cuộc họp này.
Không để năm 2015 tiếp tục lỗ
Như PLVN đã thông tin, trong một thời gian dài, Vinafood 2 đã có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính khiến 7 đơn vị trực thuộc lỗ lũy kế, số nợ khó đòi của “Tổng” này lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Trước tình trạng tài chính thiếu lành mạnh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính thực hiện ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ đối với Vinafood 2.
Thông tin từ Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong cuộc họp tái cơ cấu và giám sát tài chính Vinafood 2 vừa mới diễn ra, báo cáo của Tổng Công ty này cho thấy sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình tài chính, tái cơ cấu tài chính đầu tư.
Nguồn tin trên còn cho biết, tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã yêu cầu Vinafood 2 phải thực hiện ngay 4 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, có phương án xử lý cụ thể để giảm gạo tồn kho xuống mức phù hợp và chuẩn bị tốt cho việc thu mua vào vụ Đông – Xuân với nguyên tắc kinh doanh phải hiệu quả.
Thứ hai, xử lý các tồn tại về tài chính (công nợ, tài sản, đầu tư tài chính), lành mạnh hóa tài chính và tái cơ cấu lại vốn chủ sở hữu; đặc biệt đối với công nợ khó đòi, yêu cầu Vinafood 2 rà soát, làm rõ từng trường hợp để có phương án và đề xuất xử lý cụ thể.
Thứ ba, Bộ NN&PTNT yêu cầu Vinafood 2 phải tái cơ cấu trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản và thoái vốn đầu tư ở những ngành nghề không phải là ngành kinh doanh chính đảm bảo hiệu quả tốt nhất và đúng quy định pháp luật. Bộ NN&PTNT với tư cách chủ sở hữu vốn nhà nước tại “Tổng” này còn yêu cầu phải hoàn thành quyết toán và có phương án thoái vốn cụ thể theo từng công trình. Về hệ thống kho chứa, Bộ yêu cầu tập trung quyết toán kho chứa, đánh giá lại nhu cầu thực tế, nếu không có nhu cầu, hiệu quả không rõ ràng thì không xây dựng thêm.
Cuối cùng, Bộ yêu cầu tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp, sắp xếp các cơ sở nhà đất tại TP.Hồ Chí Minh theo đúng quy định.
“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, trước mắt Vinafood 2 phải tập trung thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất; cho đề xuất cụ thể cơ chế đặc thù để phấn đấu kết thúc năm tài chính 2015 không bị lỗ.” - ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm.
Giám sát cách nào?
Liên quan tới nhiệm vụ giám sát tài chính đối với Vinafood 2 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, ông Vũ cho biết, tới đây tại công ty mẹ sẽ thực hiện giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Đối với các công ty con và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, theo đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ này yêu cầu Hội đồng thành viên Vinafood 2 cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác quản lý vốn, tài sản và sản xuất kinh doanh sao cho bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tốt nhất.
Đối với các công ty cổ phần có vốn góp với Tổng Công ty, Bộ chỉ đạo Hội đồng thành viên tăng cường giám sát, quản lý thông qua hệ thống người đại diện vốn bằng quy chế quản lý cụ thể, chi tiết; kiên quyết không để thất thoát vốn nhà nước kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn.
Việc tổ chức giám sát, Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Vũ cho biết sẽ thành lập Tổ giám sát liên ngành gồm Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tổ là thực hiện việc giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại Vinafood 2; giám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổ còn phải giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại Vinafood 2, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết và giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp.
“Phương thức giám sát sẽ là trực tiếp, chủ yếu thông qua báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổng Công ty. Tuy nhiên, việc thông tin về kết quả giám sát chỉ được công bố khi có sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ NN&PTNT”- ông Vũ nhấn mạnh.
Nguồn tin của PLVN cho biết, lãnh đạo Vinafood 2 đang gấp rút xây dựng phương án và đề xuất từng trường hợp nhằm thu hồi lại số nợ khó đòi nói trên trình lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, muốn lành mạnh hóa tài chính, thu hồi được số nợ gần 1.000 tỷ đồng và vực dậy hoạt động của Vinafood 2 trong thời điểm hiện nay là nhiệm vụ bất khả thi?
Cho cơ chế đặc thù
“Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, trước mắt Vinafood 2 phải tập trung thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất; cho đề xuất cụ thể cơ chế đặc thù để phấn đấu kết thúc năm tài chính 2015 không bị lỗ.” - ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT).