Thư pháp với nghệ thuật chơi chữ đầu xuân

Từ giữa tháng Chạp năm Canh Dần, ngôi nhà nhỏ trên phố Minh Khai (thành phố Nam Định) của ông Đặng Kim Ba, Chủ nhiệm CLB Trí Đức thư pháp Nam Định trở nên tấp nập bởi nhiều người đến xin chữ về treo. Xin chữ đầu xuân - nét đẹp một thời tưởng chừng bị quên lãng nay lại bừng lên thể hiện sức sống của văn hóa cổ truyền của dân tộc khi Tết đến xuân về.
Các thành viên CLB Trí Đức thư pháp đang viết chữ cho người dân tại chợ Hoa Xuân - TP Nam Định.

Từ giữa tháng Chạp năm Canh Dần, ngôi nhà nhỏ trên phố Minh Khai (thành phố Nam Định) của ông Đặng Kim Ba, Chủ nhiệm CLB Trí Đức thư pháp Nam Định trở nên tấp nập bởi nhiều người đến xin chữ về treo. Xin chữ đầu xuân - nét đẹp một thời tưởng chừng bị quên lãng nay lại bừng lên thể hiện sức sống của văn hóa cổ truyền của dân tộc khi Tết đến xuân về.

Đất Nam Định từ xưa vốn nổi danh đất khoa bảng, nơi có nhiều nhà nho, ông đồ học vấn uyên thâm. Người dân Nam Định có truyền thống “tôn sư, trọng đạo” nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vật vả vẫn luôn ước mong về một cuộc sống ấm no, con cháu học hành thành đạt, thể hiện qua việc xin chữ đầu xuân văn hoá thư pháp hình thành từ đó. Theo quan niệm của người dân, mỗi chữ được viết ra là thể hiện sự tài hoa của người cho chữ bởi chữ không chỉ “đẹp” mà phải phù hợp với vị thế, nỗi niềm mong mỏi của từng người xin chữ. Người già thì xin chữ Tĩnh, chữ Thọ; người gặp nhiều gian nan, trắc trở cầu chữ Nhẫn; học trò xin chữ Đạt; người buôn bán xin chữ Tín, chữ Phát, không ít người xin chữ Liêm, Chính về treo ở nhà để răn dạy con cái.

Có một thời, chơi chữ bị mai một. Bài thơ “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên đã thể hiện sự luyến tiếc, ngậm ngùi về một thú chơi bình dị nhưng tao nhã “... Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ không buồn thắm. Mực đọng trong nghiên sầu…”. Ngày nay, thú chơi chữ đang dần được khôi phục. Ở tỉnh ta những năm gần đây, vào những dịp diễn ra chợ hoa Xuân tại Quảng trường Hòa Bình (thành phố Nam Định) hay trong ngày diễn ra hội Phủ Dày (Vụ Bản), hội Đền Trần, Triển lãm báo Xuân (tại thành phố Nam Định)… đã có những “ông đồ” là các cụ cao niên, trung tuổi và cả trẻ tuổi mặc áo the, đội khăn xếp là các thành viên của CLB Trí Đức thư pháp Nam Định ngồi viết chữ Hán. Thành lập năm 2005, gồm những người thích thư pháp (nghệ thuật viết chữ Hán, chữ Nôm) ở Nam Định và Hà Nội, lúc đầu CLB Trí Đức thư pháp Nam Định chỉ có trên 10 người. Trong đó có cụ Trần Xuân Tâm ở thành phố Nam Định nổi tiếng chữ đẹp, kiến văn uyên thâm và những người là họa sỹ, công chức nhà nước, người kinh doanh. Kiến thức Hán Nôm và thư pháp vốn rất khó, nên các thành viên CLB vừa tự học, vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Không chỉ đòi hỏi sự tài hoa của người viết, nghệ thuật thư pháp còn đòi hỏi sự tập luyện công phu. Ông Đặng Kim Ba cho biết: “Dù đã gần 20 năm tìm hiểu, viết chữ Hán Nôm, thư pháp nhưng mỗi ngày tôi đều dành vài giờ để luyện chữ. Khi viết phải đứng, cánh tay không được chạm bàn nên đòi hỏi phải có sự khổ luyện và liên tục. Cùng với chữ, việc chọn bút viết cũng đòi hỏi kinh nghiệm của người viết, phải đầy đủ “tiêm, tề, viên, kiện” (nhọn, xòe bằng nhau, tròn và cứng cáp) nhưng khó nhất vẫn là viết các thể chữ. Chữ viết gồm nhiều kiểu: Triện, Lệ, Hành, Khải, Thảo, trong đó kiểu Triện, kiểu Thảo được coi là khó nhất.

 Thú chơi nào cũng đòi hỏi lắm công phu. Chơi chữ cũng vậy. Các thành viên trong CLB Trí Đức thư pháp thường xuyên tự trau dồi kỹ năng, từ việc duy trì sinh hoạt CLB hàng tháng, đến việc tổ chức các cuộc giao lưu với các CLB thư pháp các tỉnh, tham gia các hoạt động triển lãm thư pháp trong và ngoài nước đã giúp cho bút pháp mỗi người trở nên điêu luyện hơn, có hồn hơn, được nhiều khách trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Sau 5 năm hoạt động đã có hàng ngàn tác phẩm thư pháp của các thành viên CLB được treo trang trọng trong nhiều gia đình, trong các đền chùa miếu mạo. Với những “ông đồ” thời hiện đại, nghệ thuật thư pháp không chỉ thể hiện sự yêu mến cái đẹp hoài cổ mà còn là nỗ lực làm thức dậy một thú chơi tao nhã, bình dị mang nhiều ý nghĩa của cha ông mỗi độ xuân về./.

Bài và ảnhĐức Thiện

Đọc thêm