Thu phí nhận con nuôi: Kẽ hở cho cá nhân trục lợi?

Ngày 26- 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nuôi con nuôi. Vấn đề được đại biểu tranh luận nhiều là lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Ngày 26- 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nuôi con nuôi. Vấn đề được đại biểu tranh luận nhiều là lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị, không nên quy định người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam thì phải trả chi phí lập hồ sơ, xác minh nguồn gốc và thẩm định hồ sơ của người xin nhận con nuôi. Việc này đã giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Đồng tình với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói: “Tôi chưa thấy nước nào làm như vậy vì việc này có thể tạo kẽ hở để trục lợi. Người nước ngoài nhận nuôi trẻ Việt Nam thì phải chịu chi phí này vậy người Việt Nam nhận trẻ nước ngoài làm con nuôi có phải nộp chi phí đó không?”. Ông Thuyết cho rằng, không nên bắt nộp chi phí để thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, chi phí giải quyết cho con nuôi nước ngoài hoàn toàn phù hợp với công ước Lahay năm 1993. Tất cả các nước cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài đều phải quy định có chi phí nhận con nuôi, tuy nhiên cần công khai, minh bạch khoản tiền này. Dự án Luật Nuôi con nuôi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp. Cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật Bưu chính. Theo đó, Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp nhà nước làm dịch vụ bưu chính công ích và được hưởng một số chính sách đặc thù của hoạt động công ích. Về việc duy trì các điểm bưu điện văn hóa xã, UBTV Quốc hội cho rằng, không nên quy định cụ thể trong Luật, bởi nếu tiếp tục duy trì các điểm bưu điện văn hóa xã sẽ gây lãng phí.
Theo Hà Nhân
Tiền Phong

Đọc thêm