Năm 2010, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố thu gần 1,2 tỷ đồng phí nước thải công nghiệp, tăng hơn 2 lần năm 2009. Mặc dù có chuyển biến rõ nét nhưng kết quả này vẫn quá khiêm tốn so với số lượng hơn 1 vạn doanh nghiệp đang hoạt động. Thực trạng này xuất phát từ quy định về việc thu phí nước thải công nghiệp còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp “lách”.
Quy định giám sát thiếu chặt chẽ
Năm 2009, Sở Tài nguyên-Môi trường triển khai quyết liệt nghị định. Nhiều hội nghị với hàng trăm lượt doanh nghiệp được phổ biến các quy định của nghị định 67 về thu phí nước thải công nghiệp, tập huấn, hướng dẫn việc lập về tờ khai thu phí. Song số doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc kê khai nộp phí nước thải công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ; nhiều doanh nghiệp tìm cách “lách” để không phải nộp phí hoặc nộp mức phí thấp. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân nhưng đáng chú ý là quy định về thu phí nước thải công nghiệp còn nhiều kẽ hở tạo điều kiện để doanh nghiệp “lách”.
Theo quy định, các cơ sở sản xuất nộp báo cáo tình hình thải nước thải của mình mẫu tờ khai nộp phí hàng quý. Mức sai số giữa tờ khai của đối tượng nộp phí và số liệu phân tích, đánh giá lần đầu hoặc số liệu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt nằm trong giới hạn cho phép 30%. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải được thu theo mức kê khai của đối tượng nộp phí. Song , để xác định mức độ đúng sai của các kết quả kê khai, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành thanh tra thường kỳ để xác định cơ sở sản xuất có chấp hành đúng các quy định nộp phí nước thải hay không, khai có đúng lượng nước thải và hàm lượng chất ô nhiễm trong nước thải không. Việc kiểm tra, giám sát gặp không ít trở ngại từ phía doanh nghiệp.
Trong năm 2010, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố tăng cường phối hợp với các quận, huyện kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, làm việc trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp nhưng các đơn vị này vẫn không nộp phí. Thậm chí, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp né tránh, cử nhân viên tiếp đoàn. Sau đó lấy lý do là chưa hiểu hình thức kê khai nộp phí để kéo dài thời gian nợ phí. Trong khi đó, quy định về thu phí nước thải không quy định mức phạt hay các hình thức phạt nếu doanh nghiệp không nộp phí hoặc không hợp tác khi cơ quan quản lý môi trường tiến hành thanh tra. Các biện pháp xử phạt mạnh nhất đang áp dụng với những trường hợp cố tình không đóng phí đang áp dụng chỉ là xử phạt hành chính. Mức phạt cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng, thấp hơn mức phí mà doanh nghiệp phải nộp hàng tháng, nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để rồi tiếp tục sản xuất và gây ô nhiễm môi trường thay vì nộp phí.
|
Phí nước thải thu được trên địa bàn thành phố vẫn khiêm tốn so với số lượng hơn 1 vạn doanh nghiệp đang hoạt động. |
Thiếu cơ chế khuyến khích
Sở dĩ tồn tại tình trạng doanh nghiệp cố tình hết lần này đến lần nọ không chịu nộp phí bảo vệ môi trường là do biện pháp chế tài chưa hiệu quả. Bất cập của mức phí bảo vệ môi trường còn xảy ra giữa những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và những doanh nghiệp cố tình không chấp hành. Đơn cử, những doanh nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chi phí phải trả cho việc xử lý môi trường bao gồm chi phí xử lý nước thải cộng với phí bảo vệ môi trường phải nộp khoảng hơn 3.000 đồng/m3 nước. Còn với những doanh nghiệp (cùng ngành nghề) không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, mức phí tổng cộng phải trả chưa tới 1.000 đồng/m3. Trong khi đó, các công cụ phục vụ hỗ trợ công tác thu phí vẫn chưa đầy đủ. Phần mềm về quản lý thu phí chưa được xây dựng. Chi cục chưa được trang bị, xây dựng được hệ thống thông tin, quản lý, theo dõi quá trình thực hiện việc kê khai, nộp phí của doanh nghiệp.
Dân vẫn phải sống với ô nhiễm
Năm 2010, nguồn nước mặt ở các hồ điều hòa, hệ thống các sông vẫn tiếp tục bị ô nhiễm. Kết quả quan trắc nước mặt tại một số hồ điều hòa, kênh và cửa xả của thành phố, gồm: hồ An Biên, cửa xã Vĩnh Niệm (mương Tây Nam), của xả Máy Đèn (mương Đông Bắc), kênh An Kim Hải đoạn qua Hạ Đoạn và Trang Quan, hầu hết thông số BOD5, COD, amoniac,… vượt quy chuẩn Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản là nước thải của nhiều cơ sở sản xuất chưa qua xử lý.
Những kẻ hở trong quy định tạo cơ hội cho các doanh nghiệp “mua” môi trường với giá hời. Nếu không có giải pháp khắc phục, người dân phải chịu cảnh sống trong ô nhiễm lâu dài./.