Đĩa than đang trở lại thời hoàng kim
Ra đời từ năm 1889, đĩa than là một kiểu đồng bộ tín hiệu âm thanh vào lưu trữ dạng đĩa được ghi theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau. Các đường rãnh được đọc từ vòng lớn nhất cho tới tâm của chiếc đĩa. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, là thời kỳ hoàng kim của đĩa than. Các tín đồ thực sự của âm nhạc trên thế giới thường có trong nhà một dàn thiết bị để nghe đĩa than.
Đĩa than đáp ứng gu thưởng thức âm nhạc tinh tế khi nhấn mạnh vào tần số âm thanh, sự mộc mạc bình dị không qua chỉnh sửa của kỹ thuật phòng thu. Nghe đĩa than âm thanh rất chuẩn, nhắm mắt lại có thể thấy như ca sĩ đang đứng trước mặt mình.
Đĩa than là một sản phẩm âm nhạc đã được thử thách qua thời gian, đã vượt không gian. Người nghe nhạc phải tinh tế từ tai nghe đến gu thưởng thức chứ không hẳn phải là người có tiền hay sang trọng. Từng thao tác để đọc đĩa đều có thể tạo sự hào hứng cho người nghe, khi đĩa chạy tạo nên những tiếng lách tách thú vị. Đĩa than với một chất âm mang tính lịch sử, huyền thoại, nguyên gốc, cảm xúc và tinh tế nhất.
Tưởng như đã bị “thất sủng” khi CD rồi file nhạc mp3, nhạc online xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI nhưng thật bất ngờ đĩa than đang quay lại thời kỳ hoàng kim. Theo công bố mới của Hiệp hội Công nghiệp thu thanh Mỹ (RIAA), thị trường đĩa than thế giới đang tạo nên đột phá bất ngờ khi lần đầu tiên trong suốt 30 năm qua, đĩa than vượt mặt CD về doanh số với 62% tổng thu nhập từ các loại đĩa nhạc. Số lượng đĩa than bán chạy hơn CD đánh dấu bước ngoặt cho loại đĩa nhạc từng được yêu thích trong nhiều năm từ những người sưu tầm và những người mê nhạc hoài cổ.
Trên thị trường âm nhạc Việt cũng “gợn sóng” với những sản phẩm đĩa than. Ca sĩ Vũ Thắng Lợi vừa ra mắt đĩa nhạc có tựa đề “Quê” gồm 9 ca khúc: Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (Nguyễn Văn Tý), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc), Tình yêu của đất và nước (Hoàng Vân), Tùy hứng lý qua cầu (Trần Tiến), Neo đậu bến quê (An Thuyên), Quê nghèo (Phạm Duy), Về với quê (Đức Trí). Là ca sĩ đầu tiên làm đĩa than với dòng nhạc quê hương, truyền thống, Vũ Thắng Lợi thừa nhận mình hơi ngông, nhưng anh muốn đưa khán giả vào cuộc chơi của mình.
Trước ca sĩ Vũ Thắng Lợi, một số ca sĩ khác cũng đã ra đĩa than với thể loại âm nhạc khác nhau. Năm 2011, ca sĩ Mỹ Linh ra mắt đĩa than “Mỹ Linh Acoustic - Một ngày”. Đây có thể coi như sản phẩm đặt dấu mốc cho sự quay trở lại của đĩa than nhạc Việt.
Sau đĩa than của Mỹ Linh, một số nhà sản xuất chương trình âm nhạc và ca sĩ trong nước bắt đầu quan tâm và nhanh chóng đưa ra thị trường hàng loạt các đĩa than: Vinh quang Việt Nam, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Lệ Quyên Acoustic, Tiếng hát Lê Dung; Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm, Ngàn thu áo tím, Một thời đã xa, Hương Lan & Thái Châu- Chuyện hẹn hò; Kiếp nào có yêu nhau; Giang Trang với “Lênh đênh nhớ phố”; ca sĩ Đồng Lan với “Này em có nhớ”.
Ca sĩ Quang Dũng với những nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, Tình ca Phạm Duy, “Tình ca nỗi niềm”, “Thương một người”; Đức Tuấn - Requiem, Lệ Quyên với “Khúc tình xưa”, Phạm Thu Hà với “Đường em đi”; Mỹ Tâm với “Giai điệu thời gian”, “Tâm 9”; Hoàng Thùy Linh với “Hoàng”; Hà Anh Tuấn với “Truyện ngắn”; “Cuối ngày người đàn ông một mình”; “Tuyển tập ca khúc Quốc Bảo” với giọng ca Bằng Kiều, Hà Trần, Lê Hiếu, Nguyên Hà, Phạm Thu Hà với “Đường em đi”, NSƯT Tố Nga với “Trăng”…
Không đại trà hóa các sản phẩm tinh hoa
Thực ra đĩa than không phải nhà sản xuất nào cũng làm được, phải có chuẩn mực nhất định. Sau khi làm phần thu và mix thì phần hậu kỳ (gồm master và in đĩa), nhà sản xuất phải gửi qua nước ngoài để hoàn thiện. Chi phí tốn kém, hiện giá chiếc đĩa than tại Việt Nam vẫn còn cao.
Giá trung bình một CD 100.000-200.000 đồng còn đĩa than đều có giá từ 900.000 đồng trở lên. Chưa kể, để nghe đĩa than cần phải có chiếc máy nghe đĩa và một hệ thống âm thanh hi-end tốt để có thể tái hiện tinh tế nhất nguồn âm từ đĩa. Số tiền đầu tư cho máy và hệ thống âm thanh đó khá cao so với mức thu nhập trung bình của người dân.
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi tâm sự: “Làm đĩa than khá tốn kém, dù không có nhiều điều kiện, tôi muốn những sản phẩm của mình đều được đầu tư chỉn chu, trau chuốt. Thứ nhất, tôi muôn tôn vinh dòng nhạc quê hương - đây là di sản mà thế hệ trước để lại, chứa những giá trị cốt lõi về văn hoá, tư tưởng. Tôi muốn ngày càng nâng tầm những bài hát ấy để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị đó. Thứ hai, tôi muốn các nghệ sĩ, công chúng của những dòng nhạc khác biết rằng dòng nhạc chính thống có những sản phẩm được đầu tư như vậy”.
Ca sĩ Quang Dũng cho rằng, nếu làm album thông thường mất khoảng 6 tháng đến 1 năm thì thời gian cho chiếc đĩa than gấp 2, 3 lần. Chưa kể, không hẳn ca sĩ nào có điều kiện cũng có thể thực hiện đĩa than, bởi đòi hỏi nhiều yếu tố ngoài chất giọng, như hòa âm phối khí ra sao, không gian âm nhạc thế nào…
Còn ca sĩ Phạm Thu Hà cho hay, một ca sĩ phải có nền tảng kỹ thuật tốt, hát live ổn mới dám làm đĩa than. Với Phạm Thu Hà thì đĩa than được xem như một sản phẩm có tính trường tồn về thời gian, là “album để đời”.
Theo ca sĩ Phạm Thu Hà, cộng đồng chơi đĩa than ngày càng nhiều, bởi sau thời kỳ nghe nhạc từ công nghệ kỹ thuật số, nhiều tín đồ âm nhạc bắt đầu cảm thấy chán với cách thưởng thức dễ dàng của công nghệ này, họ quay về tìm kiếm các giá trị cổ điển. Nhiều người thích chơi đĩa than hay để tìm kiếm chút tinh tế, chút cầu kỳ, chút yên ắng... sau một ngày làm việc ồn ào của nhịp sống mới.
Các sản phẩm đĩa than hiện được giới mộ điệu săn lùng với những lời khen chân thành minh chứng nghệ sĩ Việt có thể thực hiện được sản phẩm đạt chuẩn chất lượng giọng hát và âm thanh không thua kém nghệ sĩ nước ngoài.
Dẫu các album đĩa than hiện đang “được lòng” giới yêu nhạc nhưng các nhà sản xuất đều cho biết sẽ chỉ giới hạn số lượng (1000-2000 bản) vì không thể đại trà hóa các sản phẩm tinh hoa. Cố gắng “giữ mình”, không sản xuất và phát hành ồ ạt, tránh cho ra sản phẩm kém chất lượng là những cách mà giới sản xuất đĩa than và các nghệ sĩ đưa ra để khẳng định chất lượng âm nhạc Việt.