Như vậy, việc mua bán hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng và vé tàu xe như Báo PLVN phản ánh qua các bài trước là sự trốn thuế, là vi phạm pháp luật, rút ruột ngân sách nhà nước. Qua nhiều năm, chợ “đen” này hoạt động một cách công khai thì không biết bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp đã đến đây mua hóa đơn, vé tàu xe để tìm cách trốn thuế nói chung và thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp nói riêng, làm lợi bất chính cho bản thân? Nhà nước đã thất thu tiền thuế và bị “moi ruột” ngân sách không biết bao nhiêu tiền?
Cơ quan thuế nói không “nghe thấy”
Trước thực trạng chợ “đen” ở khu vực ga Hà Nội bán hóa đơn bán hàng, hóa đơn GTGT và các loại vé “rởm” một cách công khai, lộ liễu kéo dài qua nhiều năm cho đến nay. Mang thực trạng trên, Sáng ngày 8/7/2014, PV tìm đến Chi cục thuế quận Hoàn Kiếm, gặp ông Nguyễn Xuân Dũng, Chi cục trưởng để tìm hiểu vấn đề này.
Trong buổi làm việc, ông Dũng cho biết, việc mua bán hóa đơn như PV phản ánh là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng lớn. Kiểm tra hóa đơn là trách nhiệm của cơ quan thuế, thời gian qua, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện những trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế. Nhưng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là nằm ngoài khả năng của cơ quan thuế.(?)
Hóa đơn mua tại chợ "đen" ở đối diện Ga Hà Nội |
Nói theo kiểu vòng vo
Cũng trong chiều ngày 8/7/2014, PV có đặt lịch làm việc với công an quận Hoàn Kiếm, cán bộ đội tổng hợp có gọi điện xin ý kiến lãnh đạo công an quận. Sau đó lãnh đạo công an quận có cuộc trao đổi với PV qua điện thoại về nội dung công việc, sau khi PV nói làm việc về vấn đề mua bán hóa đơn trên địa bàn, vị lãnh đạo công an quận nói “Làm gì có, việc đó xảy ra lâu rồi”. Khi PV nói rõ rằng sự việc đang có và xảy ra trên địa bàn thì vị lãnh đạo yêu cầu PV xin ý kiến Trưởng công an quận để làm việc.
Được sự đồng ý của Trưởng công an quận Hoàn Kiếm, sáng 9/7/2014, PV đã có buổi làm việc với ông Chu An Thanh, phó trưởng công an quận Hoàn Kiếm và một cán bộ thuộc đội CSKT. Khi PV nói rõ sự việc và đưa ra những bằng chứng cụ thể, ông Thanh cũng cho biết, việc này có từ trước đây và đã xử lý. Trước đây, do xuất phát từ nhu cầu đi lại, đi công tác muốn lấy vé về thanh toán với cơ quan, nên việc làm vé giả, tẩy xóa ngày tháng cho phù hợp với nhu cầu của khách là có.
Cán bộ đội CSKT phân tích, từ nhu cầu đi lại nên có việc làm vé giả để bán, khách đi công tác thì phải ăn nghỉ dẫn đến việc phải có hóa đơn để về thanh toán với cơ quan. Từ đó, dẫn đến việc mua bán hóa đơn. Đứng sau các đối tượng “cò” như PV phản ánh, là các công ty “ma” và các đối tượng làm giấy tờ giả, bây giờ việc này không diễn ra công khai như trước mà chỉ hoạt động lén lút.(?) Cán bộ đội CSKT khẳng định.
Tuy nhiên, khi PV nói việc này hiện tại đang diễn ra công khai và kéo dài từ rất lâu cho đến bây giờ thì cán bộ đội CSKT giải thích, các đối tượng “cò” chỉ mua bán một, hai tờ hóa đơn thì rất khó xử lý vì chưa đủ căn cứ số lượng để truy tố. Ông Thanh nói thêm: “ Công an quận sẽ rà soát các ổ nhóm để xử lý”. Cán bộ CSKT nói tiếp “Để làm triệt để sự việc này thì phải cần có thời gian”. Nhưng ông Thanh ngắt lời: “Chúng tôi đã và đang có phương án kế hoạch xử lý tụ điểm này”(?).
Trong khi đó, chiều cùng ngày, PV đến công an phường Cửa Nam tìm hiểu thêm thì trưởng công an phường Cửa Nam trao đổi qua điện thoại cho biết, đang bận họp và sự việc này đã báo cáo lên công an quận chiều hôm qua.(?)
Còn đại diện Cục thuế Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Yến, trưởng phòng tuyên truyền trả lời cho rằng, hành vi vi phạm này chỉ “nằm” trong bóng tối, khó phát hiện(?). Cơ quan thuế chỉ xử lý vi phạm trên hồ sơ cụ thể và phối hợp với cơ quan công an. Nếu có dấu hiệu như trên, cán bộ thuế địa bàn phải xác định tìm hiểu người mua, người bán để phối hợp với các cơ quan thuế khác cùng cơ quan công an xử lý.
Nhưng một lãnh đạo chi cục thuế khác lại cho biết, khi hóa đơn lọt vào các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để hoàn thuế, rút tiền, thanh toán tiền thì chỉ khi bị nghi ngờ, cơ quan thuế mới kiểm tra hóa đơn thật hay giả.