Thủ tục khởi kiện vụ án về tranh chấp thừa kế

(PLO) - Anh Đoàn Văn Bảnh (Bến Cầu – Tây Ninh) hỏi: Cha mẹ tôi qua đời năm 2015 có để lại một thửa đất gần 2000m2 và một ngôi nhà, do người em cùng cha khác mẹ với tôi quản lý. Nay vợ chồng người em tiến hành làm thủ tục sang tên, hòng chiếm đoạt di sản thừa kế do cha mẹ tôi để lại. Vậy để khởi kiện vụ án tranh chấp chia thừa kế, chúng tôi cần phải tuân theo trình tự, thủ tục gì?

Luật gia Bùi Đức Độ trả lời: Tranh chấp về thừa kế, tuy không bắt buộc các bên phải hòa giải trước khi khởi kiện, nhưng pháp luật khuyến khích hòa giải tại cơ sở. Nếu hòa giải thành, họ có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực pháp lý bắt buộc thi hành. 

Nội dung hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế bao gồm các loại giấy tờ sau: (1) Các giấy tờ về nhân thân như: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện nhằm xác định họ và tên, địa chỉ người khởi kiện và chứng minh mối quan hệ giữa người khởi kiện với người để lại di sản thừa kế; (2) Di chúc (nếu có); (3) Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế; (4) Bản kê khai các di sản; (5) Các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản và nguồn gốc di sản; (6) Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản hòa giải ở cơ sở, văn bản khước từ nhận di sản (nếu có); (7) Các giấy tờ về nghĩa vụ của người để lại di sản thừa kế phải thực hiện như giấy biên nhận nợ, các khoản thuế phải đóng, nghĩa vụ cấp dưỡng…(nếu có); (8) Đơn khởi kiện (theo mẫu).

Tất cả các giấy tờ phải là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực. Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện nơi tranh chấp di sản thừa kế. Đây là các nội dung được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Đọc thêm