Đây là một trong những nội dung được thông tin tại hội thảo “Báo cáo phát triển VN năm 2010 - những thể chế hiện đại” do Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật VN, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban trung ương MTTQ VN phối hợp tổ chức sáng 20-1.
|
Theo số liệu trong Báo cáo phát triển VN năm 2010 được công bố tại hội thảo, mô hình “một cửa” đầu tiên được thử nghiệm vào năm 1996 tại TP.HCM, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau như đăng ký kinh doanh, xin phép xây dựng, giấy chủ quyền nhà đất, giải quyết khiếu nại tố cáo...
Đến cuối năm 2009, gần 99% đơn vị cấp quận huyện và 96% đơn vị cấp phường xã áp dụng mô hình “một cửa”. Người dân đánh giá mô hình “một cửa” đã cải thiện nhiều về thủ tục hành chính, tuy nhiên quy trình xử lý còn phức tạp. Đặc biệt tại các khu vực nông thôn thường không có đủ cán bộ chuyên trách nên hồ sơ giải quyết chậm trễ, gây bất bình cho dân.
Hứa hẹn “đề án 30” Một chương trình khá tham vọng về đơn giản hóa thủ tục hành chính (gọi tắt là đề án 30), có nhiều hứa hẹn và được nhiều người ủng hộ. Hiện tại giai đoạn 1 đề án này đã kết thúc, đang triển khai giai đoạn 2 và sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu gồm hệ thống đăng ký điện tử cho trên 5.700 thủ tục hành chính được thực hiện tại bốn cấp hành chính (trung ương, tỉnh thành, quận huyện và phường xã), 9.000 văn bản pháp luật, 100.000 hồ sơ về thủ tục hành chính, biểu mẫu... dự kiến đến cuối năm nay hoàn thành. “Đây là một bước tiến lớn đối với VN”, báo cáo tại hội thảo đánh giá. |
Ông James H. Anderson, đại diện WB, cho biết 75% người dân được hỏi nói rằng dịch vụ công ngày càng được cải thiện tốt hơn, nhưng thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất thường vẫn chậm hơn so với các loại dịch vụ khác. Số liệu khảo sát do các cơ quan chức năng thực hiện cũng cho thấy đứng đầu bảng thủ tục bị người dân than phiền là cấp giấy chủ quyền nhà đất, kế đến là xin phép sửa chữa, xây dựng nhà...
Người dân cũng nói họ gặp khó khăn nhất khi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền đất do mất thời gian (43%), không am hiểu thủ tục (35%), thái độ phục vụ của cán bộ (11%)...
Tương tự, mức độ khó khăn đối với hộ gia đình, cá nhân muốn tìm hiểu thông tin hướng dẫn về các thủ tục hành chính thì lĩnh vực nhà đất cũng bị “kêu” nhiều nhất khi có đến 24% trường hợp cho biết khó khăn trong tìm hiểu thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất, 9% thuộc lĩnh vực xin phép sửa chữa, xây dựng nhà. Đứng cuối bảng trong số sáu lĩnh vực được khảo sát là thủ tục công chứng với 2%.
Đánh giá về công tác phân cấp, giao quyền, báo cáo nhấn mạnh: chính quyền địa phương được phân cấp ngày càng mạnh hơn trong thời gian gần đây ở các lĩnh vực đất đai, đầu tư công và cả quản lý nhân lực tại địa phương...Bên cạnh đó các đơn vị tư nhân cũng được phân cấp tham gia một số lĩnh vực dịch vụ, thậm chí còn có những chính sách ưu đãi để khuyến khích tư nhân tham gia, hay còn gọi là “xã hội hóa”.
Ông Phan Bá, vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam (Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng), nêu: có nơi, có lĩnh vực được giao nhiệm vụ nhưng không được giao quyền hoặc giao quyền không trọn vẹn nên khó thực hiện. Nhưng cũng có thực tế là một số địa phương mong muốn được phân cấp, giao quyền nhưng khi phân cấp lại lúng túng, không thực hiện được mà phải chờ hướng dẫn.
Các số liệu khảo sát cho thấy chỉ 3% người dân trong số các trường hợp được điều tra trả lời rằng họ từng đóng góp ý kiến cho một dự thảo luật. Khi được hỏi vì sao không tham gia, phần lớn ý kiến cho biết họ không được hỏi ý kiến hoặc họ không quan tâm và thường người dân chỉ quan tâm đóng góp những vấn đề quan trọng ở địa phương.
Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa, khoa luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các cơ quan nhà nước cần pháp luật để tổ chức nhà nước mạnh hơn, chịu trách nhiệm với dân hơn. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng không phải làm ra nhiều luật mới quan trọng mà phải có những quy trình làm luật khắt khe và người dân cần được tham gia làm luật, phản biện các dự án luật.
Theo Địa Ốc TTO