Thủ tướng chỉ đạo điều hành linh hoạt tỷ giá, bảo đảm ổn định VNĐ (*)

Hôm nay, 14/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các Ban, Bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với các Ban, Bộ ngành, cơ quan liên quan về việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong những ngày qua, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực đã bị tác động mạnh bởi việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực hiện chính sách điều chỉnh giảm tỷ giá đồng Nhân dân tệ; chỉ trong 3 ngày 11-13/8, đồng Nhân dân tệ đã mất giá 4,6% (trong đó ngày 11/8 giảm 1,9%, ngày 12/8 giảm 1,6% và ngày 13/8 giảm 1,1%). Việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá đã tác động tức thì đến tỉ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán và có thể tác động đan xen cả những thuận lợi và khó khăn đến nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, ngay trong ngày 11/8 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa Đồng Việt Nam và USD Mỹ từ +/-1% lên +/-2%. Việc điều chỉnh này có tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư… và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế. Từ ngày 14/8, thị trường ngoại tệ đã có xu hướng ổn định trở lại, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm thấp hơn so với mức trần, bảo đảm thanh khoản thị trường.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp bước đầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành.
Thủ tướng yêu cầu các Ban, Bộ, ngành tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, nhất là thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, tình hình sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.
Thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra cho năm 2015. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, bảo đảm môi trường ổn định và thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.
(*) Tiêu đề bài viết do PLVN đặt lại

Đọc thêm