Thủ tướng chủ trì bàn biện pháp “gỡ khó” trong sản xuất kinh doanh

(PLO) - Hôm qua (27/5), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 5/2015
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ tháng 5/2015 
Nhiều dấu hiệu tích cực
Tại phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và một số báo cáo quan trọng khác.
Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực. CPI tháng 5 tăng 0,16%, 5 tháng tăng 0,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, 5 tháng tăng 9,2%. 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt  4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các hạn chế, khó khăn nổi lên thời gian qua như sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung bộ và Tây Nguyên; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo đảm sự phục hồi vững chắc của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.
Không tập trung xuất khẩu vào chỉ một thị trường Trung Quốc 
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải về tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam trong buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm, các mặt hàng nông sản kể cả thủy sản đều xuất khẩu giảm sút. Hiện nay, những thị trường lớn trong đó có Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, kể cả một số thị trường khác, một số thị trường tiềm năng thì chúng ta mới đạt ở bước đầu mà chưa phát huy được, trong khi các thị trường chính thì lại sụt giảm.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những biện pháp tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa không phải lúc này chúng ta mới ngồi lại bàn mà Bộ Công Thương được giao làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành và có những giải pháp từ rất lâu rồi. Trước hết chúng ta thâm nhập các thị trường thông qua các đàm phán thương mại tự do… 
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và bước đầu đã giành được thành công đáng mừng. Chúng ta đã ký với thị trường Hàn Quốc và trong thời gian ngắn nữa sẽ ký hiệp định với Liên minh Á - Âu, trong tháng 6 ký với EU. Hy vọng trong thời gian gần nhất, chúng ta ký được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP). 
Từ việc trên nó mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản. Song song với đó, chúng ta đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Chính phủ hết sức quan tâm và đã dành một khoản kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, kể cả trong nước chúng ta tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kể cả việc trước đây chúng ta ít khi làm, đó là  phát triển thị trường thương mại miền núi, biên giới và hải đảo. 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, chúng ta phải nhất quyết đẩy mạnh chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các chương trình nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất khẩu sản phẩm. Tuy nhiên, còn nhiều sản phẩm chúng ta hạn chế, ra nước ngoài bị trả lại và đã ảnh hưởng rất nhiều đến các công ty khác có mặt hàng tương tự, để rồi sau đó khách hàng không ký hợp đồng với chúng ta nữa. 
Về thị trường vải thiều, chúng ta lặp đi lặp lại được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tại sao như vậy? Đó là thị trường. "Tôi nghĩ hoàn toàn tự nhiên, đương nhiên. Chúng ta phải xác định, người nông dân không có lỗi nào, người nông dân có quyền trồng trọt tất cả những gì trên mảnh đất của họ. Chúng ta đã làm rất nhiều, nhưng cần tổng thể", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. 
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần quy hoạch cụ thể để có những cánh đồng mẫu lớn. Từ đó, chúng ta đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao, có giá thành tốt cạnh tranh với các nước quanh chúng ta.
Có rất nhiều biện pháp chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu mà không tập trung chỉ vào một thị trường Trung Quốc. Như trước đây, chúng ta xuất khẩu 60 - 70% sản lượng vải thiều sang Trung Quốc. Nhưng năm ngoái chúng ta chỉ xuất 40% sang Trung Quốc và mở rộng sang các thị trường khác. Đặc biệt, chúng ta tập trung vào thị trường Việt Nam ở những nơi không có vải thiều với giá thành hợp lý.
“Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã bàn với các tỉnh có liên quan đến vải thiều. Một mặt, chúng tôi tổ chức các hội nghị kết nối các tỉnh trong phía Nam, cần phải nhanh chóng đưa vào các tỉnh, thành trong đó. Mặt khác, chúng tôi đưa vải thiều vào các nước EU  như Hà Lan, Đức” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Đọc thêm