Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hôm nay trong không khí rất vui mừng phấn khởi, cả nước chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, thì tại Chi Lăng mảnh đất linh thiêng, đã đi vào sử sách, chúng ta khởi công tuyến cao tốc quan trọng cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. (Ảnh: Minh Hữu) |
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên của cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có điểm đặc biệt so với các dự án khác là giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền.
Theo Thủ tướng Chính phủ, nếu xây xong tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ có nhiều ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng đã đề ra; Đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng; Kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Trung quốc, giữa Asean với Trung Quốc, kết nối hai vùng kinh tế Trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, kết nối 7 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; Tạo động lực mới để Lạng Sơn, Cao Bằng phát triển.
Dự án khi hoàn thành cũng phát huy tính tự lực tự cường của địa phương khi Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án, thể hiện sự hiệu quả của việc phân cấp phân quyền....
|
Nhà đầu tư giới thiệu tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho Thủ tướng và các đại biểu. (Ảnh: Minh Hữu) |
“Tôi cũng thay mặt Chính phủ cảm ơn nhân dân địa phương đã nhường đất của tổ tiên để thực hiện dự án”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, mục tiêu của dự án là năm 2025 thông tuyến, thông xe, tức khối lượng công việc trong thời gian tới còn rất nhiều.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, không đùn đẩy trách nhiệm; mong Lạng Sơn tiếp tục tự lực tự cường, tiếp tục phát huy như đã làm khi chuẩn bị dự án.
Thủ tướng cũng đề nghị nhà đầu tư thực hiện việc xây dựng cao tốc đúng luật, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm. Đảm bảo việc thi công đúng tiến độ, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường và các quy định của nhà nước. Ngoài ra, cần chăm lo đời sống, vật chất của nhân dân, những người đã nhường đường cho dự án. "Tại các nơi tái định cư, người dân ít nhất có cuộc sống bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ", Thủ tướng chỉ đạo.
|
Nhân dân huyện Chi Lăng chào đón Thủ tướng và các đại biểu. (Ảnh: Minh Hữu) |
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị nhà thầu thi công dự án làm việc theo tinh thần thực hiện 3 ca 4 kíp, “ăn tranh thủ ngủ khẩn trương”, làm xuyên ngày nghỉ xuyên ngày tết, vượt nắng thắng mưa, “bàn làm không bàn lùi”. “Tinh thần này đã được quán triệt tại các công trình trọng điểm quốc gia. Chỉ có tinh thần ấy mới đảm bảo tiến độ đã đề ra”, Thủ tướng nói.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn cho biết, khởi công dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng một trong các sự kiện rất quan trọng của tỉnh Lạng Sơn, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
|
Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn phát biểu tại lễ khởi công dự án. (Ảnh: Minh Hữu) |
Theo Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Quốc Đoàn, tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ kết nối trực tiếp cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh vào tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện đang triển khai thi công; đáp ứng nhu cầu vận tải cho tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng Đông Bắc và cả nước nói chung; từng bước, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông, đường bộ cao tốc của Việt Nam, thời kỳ 2021 - 2030.
Tuyến đường hoàn thành sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, hình thành hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ, giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Dự án cũng góp phần liên kết, phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, Đồng Đăng - Lạng Sơn; tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, và trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Cũng theo Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn, việc triển khai đầu tư xây dựng cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là niềm mong ước của các cấp uỷ chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong nhiều năm qua; cả hệ thống chính trị của tỉnh Lạng Sơn đã hết sức nỗ lực, cố gắng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp để thực hiện dự án.
“Trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới, nguồn lực còn rất hạn chế, nhưng tỉnh đã nỗ lực cân đối, tiết kiệm tối đa, để bố trí vốn ngân sách địa phương tham gia dự án là 2.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Quốc Đoàn chia sẻ, đồng thời cho biết, việc khởi công dự án chỉ là bước khởi đầu. Tỉnh Lạng Sơn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án; rà soát, bám sát tiến độ công trình theo kế hoạch đề ra, tổ chức kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng như hợp đồng đã ký kết...
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục ghi dấu ấn cho ngành giao thông khi cùng với tỉnh Lạng Sơn và các doanh nghiệp là DCC, 568, Lizen và Ngân hàng TP Bank thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.
|
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. (Ảnh: Minh Hữu) |
Theo Chủ tịch Đèo Cả, để triển khai được dự án như hôm nay, thật sự là khó khăn cho các nhà đầu tư vì sau khi hoàn thành dự án Bắc Giang - Lạng Sơn còn rất nhiều điều băn khoăn lo lắng về doanh thu, phương án hoàn vốn kéo dài… “Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng và sự vào cuộc chia sẻ động viên của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả xác định tiếp tục đồng hành hoàn thành Dự án mới, tháo gỡ các vướng mắc cũ”, ông Hoàng nói.
Dự án hoàn thành sẽ hỗ trợ giải quyết bài toán lưu lượng, doanh thu thấp của tuyến “cao tốc cụt” Bắc Giang - Lạng Sơn hiện nay. “Chúng tôi xin hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”. Chúng tôi sẽ lấy công trường dự án làm nơi thao trường đào tạo thực chiến không chỉ cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn cho các doanh nghiệp khác, cùng phát triển khi thực hiện những giải pháp đầu tư PPP++, tổ chức thi công, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới”, ông Hồ Minh Hoàng nói.
|
Máy móc được huy động về công trường dự án. (Ảnh: Minh Hữu) |
Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 11.029 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước khoảng 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư): vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Lạng Sơn 2.000 tỷ đồng. Với cơ cấu nguồn vốn như trên, thời gian hoàn vốn của dự án là 25 năm 8 tháng.
Tổng chiều dài tuyến cao tốc này khoảng 59,87 km, bao gồm tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị dài khoảng 43,43km và tuyến cửa khẩu Tân Thanh kết nối với cửa khẩu Cốc Nam dài 16,44km.