Trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang gặp phải nhiều khó khăn trong nước, chuyến công du liên tiếp tới hai cường quốc ở phía Đông - Nga và Trung Quốc - của Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa qua được đánh giá là đã đem lại những thành công ngoài mong đợi trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế: nâng mối quan hệ hợp tác với hai cường quốc phía Đông lên một tầm cao mới, khẳng định vai trò chính trị ngày càng lớn của Đức cùng một loạt những hợp đồng kinh tế hứa hẹn v.v...
|
Tình cảm tốt đẹp giữa hai vị nguyên thủ Nga và Đức đã cho thấy phần nào thành công trong chính sách Đông tiến của bà Merkel.
|
Nói tóm lại: Đây là một thành công quan trọng trong chính sách Đông tiến của Berlin...
Phải nói là báo chí thế giới đã tốn khá nhiều giấy mực để bình luận về kết quả lần đặt chân tới Nga vừa rồi của bà Merkel. Chẳng hạn như ngay sau cuộc gặp Merkel-Medvedev, nhiều người đã đánh giá mối quan hệ Nga - Đức đã trở thành "một mối quan hệ mẫu mực". Có thể thấy phần nào về ý nghĩa của đánh giá này qua những tình cảm chân thành được hai vị nguyên thủ dành cho nhau.
Tổng thống Dmitri Medvedev đã tỏ ra hết sức "ga lăng" khi tiễn bà Merkel ra tận chân cầu thang máy bay, tặng bà một bó hoa lớn cùng với những lời chào tiễn biệt chân thành. Cũng vì cử chỉ này, nhiều nhà quan sát còn đánh giá đây là thời điểm bắt đầu của thời đại chính sách "đối ngoại mềm dẻo" của ông Medvedev, thay cho chính sách có phần cứng rắn trước đây của người tiền nhiệm Putin.
Trong chuyến đi này, dù có lịch trình rất dày đặc, nhưng hai nguyên thủ Nga và Đức đã tận dụng phần lớn thời gian có thể để bàn bạc với nhau: trò chuyện đến nửa đêm, trước khi cùng ăn sáng vào hôm sau. Theo nhận xét của bà Merkel, giữa Moskva và Berlin "đã xác lập được những mối quan hệ rất sâu sắc và thân thiện để có thể cùng bàn bạc cả những vấn đề phức tạp nhất". Nói như bình luận của tờ Sueddeutsche Zeitung, cả Merkel và Medvedev đều hiểu rằng, việc tin cậy và ủng hộ nhau chỉ có tác dụng nâng cao uy tín chính trị của cả hai bên.
Nói đơn giản hơn, Merkel đang là một đối tác chủ chốt của ông Medvedev theo đúng ý nghĩa thực dụng kiểu "có đi có lại". Trước mắt, bà Merkel không thể bỏ qua việc tận dụng mong muốn xích lại gần với châu Âu của Moskva để đạt được những nhượng bộ nhất định. Thủ tướng Đức hứa hẹn sẽ ủng hộ Nga trong nỗ lực bãi bỏ chế độ thị thực với Liên minh châu Âu (EU) tất nhiên với điều kiện: "Moskva rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp với Gruzia, để đổi lại việc EU từ bỏ chế độ thị thực với các công dân Nga". Trên quan điểm như vậy, hai bên cũng tỏ ra rất thẳng thắn khi bàn bạc về một vấn đề nhạy cảm như nhân quyền.
Nhưng thành công hơn cả của chuyến công du chắc chắn phải là các mục tiêu kinh tế. Hộ tống bà Merkel tới Nga là một đội ngũ đông đảo gồm 25 vị chủ tịch của những công ty hàng đầu nước Đức, trong cặp của họ là rất nhiều những hợp đồng giá trị đã được soạn thảo từ trước. Nên nhớ Đức vẫn đang là đối tác thương mại lớn nhất của nước Nga. Chỉ trong 4 tháng đầu tiên của năm 2010, sản lượng trao đổi hàng hóa giữa hai bên đã tăng rất nhanh, đạt tới các chỉ số trước khủng hoảng năm 2008 (tăng tới 50% lên tới mốc 15,2 tỉ USD). Nước Nga hiện đang là môi trường hoạt động của 6.000 công ty Đức với tổng giá trị đầu tư gần 16 tỉ euro.
Dù số vốn đầu tư của Nga và Đức chưa cao, nhưng theo Tổng thống Medvedev, Nga có "tham vọng và tiền bạc" để đầu tư vào đất nước này, nơi họ gặp phải ít cản trở nhất trong hàng ngũ các nước EU. Theo những thỏa thuận được ký kết trong lần này, tập đoàn Siemens trong vài năm tới sẽ cung cấp cho Nga 220 đoàn tàu điện có tổng giá trị 2,4 tỉ euro. Hãng Hàng không Aeroflot cũng đặt hàng tại Đức một số lượng máy bay Airbus trị giá 2 tỉ USD.
Đối với bà Merkel, lần đặt chân tới Trung Quốc vừa rồi đã là lần thứ tư. Nhưng chuyến đi này mới thực sự là điểm mốc đánh dấu một tầm vóc hợp tác mới, theo như khẳng định của Bắc Kinh là một "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có những tác động chiến lược lên toàn thế giới". Tương tự như tại Nga, thành quả quan trọng nhất của bà Merkel vẫn là những quyền lợi kinh tế.
Cả hai vị Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Angela Merkel đều đồng thuận bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ và nhiều nước EU cho rằng, hai nước đang là những "nhà vô địch về xuất khẩu hàng hóa" phá vỡ cán cân thương mại trên thế giới. Nếu như bà Merkel khẳng định "nước Đức tự hào với khả năng cạnh tranh của mình", thì ông Ôn Gia Bảo cho rằng cả hai bên đã có những đóng góp quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế thế giới, rằng "đáng ra phải trân trọng thay vì buộc tội Trung Quốc và Đức".
Bất chấp khủng hoảng, tỉ lệ phát triển của Trung Quốc vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài - chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng tới 39,6%, lên mức 12 tỉ USD. Phái đoàn kinh tế Đức hộ tống bà Merkel lần này đã mang theo nhiều lời đề nghị hợp tác hấp dẫn trị giá từ vài trăm triệu tới hàng tỉ euro trong các lĩnh vực thương mại, năng lượng và công nghiệp. Riêng nguồn vốn đầu tư của Đức vào Trung Quốc trong vài năm gần đây đã lên tới 18 tỉ USD.
Đáng chú ý trong số này có thỏa thuận trị giá 2,7 tỉ euro của Tập đoàn Siemens ký kết với Shanghai Electric Group về hợp tác sản xuất các tuabin khí và gas.Tập đoàn Volkswagen dự định đến năm 2012 sẽ đầu tư vào Trung Quốc thêm 6 tỉ euro, nâng khả năng sản xuất lên mức 3 triệu xe hơi mỗi năm tại quốc gia châu Á này.
Trung Quốc tất nhiên cũng biết tận dụng quan hệ hợp tác với Đức không chỉ trong các mục tiêu kinh tế, mà còn vì những quyền lợi chính trị. Bắc Kinh hiểu rất rõ rằng, nước Đức chính là cây cầu quan trọng kết nối họ với EU. Trong thông cáo chung, cả hai bên đều nhấn mạnh tới nhu cầu nhanh chóng ký kết được một thỏa thuận hợp tác mới giữa Trung Quốc và EU. Việc củng cố vị thế tại châu Âu sẽ giúp Bắc Kinh bù đắp lại mức độ sụt giảm nghiêm trọng về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian qua. Hơn nữa, Bắc Kinh đang rất muốn Đức tác động để EU công nhận nước này có nền kinh tế thị trường.