Thủ tướng Italia chấp nhận rời quyền lực

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi - người “dính” vào nhiều bê bối tình dục và pháp lý vốn làm rùm beng thế giới trong thời gian qua - vừa tuyên bố sẽ từ chức sau khi Quốc hội thông qua các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) để tránh sự lan tỏa của cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng ở nước này.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi - người “dính” vào nhiều bê bối tình dục và pháp lý vốn làm rùm beng thế giới trong thời gian qua - vừa tuyên bố sẽ từ chức sau khi Quốc hội thông qua các biện pháp cải cách kinh tế theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) để tránh sự lan tỏa của cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng ở nước này.

Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi hôm 4/11 tại Cannes. Ảnh: AFP

Các biện pháp cải cách kinh tế mới nhất của Chính phủ Berlusconi dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội Italia để thảo luận và bỏ phiếu vào tuần tới. Cụ thể, các biện pháp theo yêu cầu của EU (chuyển giao tài sản công để giảm nợ, tự do hóa các nghề quy định, đơn giản hóa thủ tục hành chính) sẽ được đưa vào trong một đạo luật sửa đổi về tài chính năm 2012 dự kiến được trình Thượng viện bỏ phiếu từ nay tới 18/11 và Hạ viện từ nay tới cuối tháng 11. Tiến trình thông qua các biện pháp cải cách này có thể sẽ kéo dài nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần. 

Một khi các biện pháp vốn được hứa hẹn từ cuối tháng 10 tại EU này được Quốc hội thông qua, ông Berlusconi “sẽ trao trả nhiệm vụ của mình cho người đứng đầu Nhà nước”, Văn phòng tổng thống hôm 8/11 cho biết.

Theo thông báo chính thức, trong cuộc làm việc với Tổng thống Giorgio Napolitano, Thủ tướng Berlusconi đã tỏ ra “ý thức về những hậu quả của kết quả” bỏ phiếu hôm 8/11 tại Hạ viện, theo đó ông Berlusconi đã đánh mất đa số trong Hạ viện gồm 630 ghế.

Văn phòng tổng thống cũng thông báo, một khi ông Berlusconi “ra đi”, Tổng thống Napolitano sẽ bắt đầu các cuộc tham vấn với tất cả các đảng phái để cố gắng thành lập một chính phủ mới.

Về phần mình, ông Berlusconi cho rằng một chính phủ mới có thể thu được đa số phiếu ủng hộ ổn định và kêu gọi tổ chức càng nhanh càng tốt các cuộc bầu cử trước hạn, nhưng thừa nhận rằng chính tổng thống sẽ là người quyết định. “Hiển nhiên chính phủ này sẽ kết thúc”, Marc Lazar – giảng viên Học viện nghiên cứu chính trị tại Paris – bình luận.

Theo ghi nhận của một số hãng thông tấn, các thị trường dường như phản ứng tích cực trước thông báo “ra đi” của ông Berlusconi. Đồng euro đã tăng mạnh so với đồng đô la. Chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán New York cũng tăng 0,42% và Nasdaq tăng 0,73%. 

Ông Berlusconi - lên nắm quyền lần đầu năm 1994 - là vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Italia kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ông được cho là sở hữu khối tài sản trị giá 9 tỷ USD và nắm một đế chế hoạt động trong các lĩnh vực truyền thông, bảo hiểm, thực phẩm và xây dựng.

Trong suốt 17 năm qua, ông đã vượt qua hơn 50 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm song gần đây dính vào các bê bối tình dục và pháp lý.

Ông từng bị buộc tội tham nhũng, gian lận thuế, gian dối sổ sách tài chính và tìm cách hối lộ một thẩm phán. Tuy nhiên, thủ tướng Italia luôn khẳng định vô tội và chưa bao giờ bị kết án chính thức.

Trước khi thông báo trên được phát đi, lãi suất trái phiếu hạn 10 năm của Italia đã tăng lên 6,770%, một mức cao chưa từng thấy kể từ khi đồng euro ra đời, cao hơn kỷ lục trước đó (6,73%).

Mức này được coi là không bền vững trong dài hạn cho các khoản nợ khổng lồ Italia (1.900 tỷ euro, chiếm 120% GDP). Hôm 8/11, lãi suất trái phiếu hạn 10 năm của Italia cũng đã cao ở mức 6,65%.
Trong khi đó thị trường đang ngày càng nghi ngờ khả năng trả nợ của Italia. Thị trường chứng khoán châu Á cũng đã hoan nghênh thông báo “ra đi” của ông Berlusconi.

Trong thời gian gần đây, chi phí vay nợ của Italia tăng lên cao khi nhiều bên lo ngại rằng Italia có thể không thể trả nổi nợ. Hiện Italia được đặt dưới sự giám sát của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

“Italia biết thực lực của mình, không thể hy vọng sự trợ giúp từ bên ngoài, đó là lý do mà Italia cố gắng triển khai nhiều cố gắng trong lúc này”, Bộ trưởng Tài chính Australia Maria Fekter đánh giá.

Về phần mình, Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen đã kêu gọi Italia áp dụng các biện pháp quyết định và kết thúc những “lời hứa suông” nếu nước này muốn thoát khỏi khủng hoảng.

Một sự lây lan có thể có của cuộc khủng hoảng nợ công ở Italia sẽ làm cho toàn khu vực đồng euro “khụy xuống”. Cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế Olli Rehn thì mô tả tình trạng của Italy là "rất đáng lo ngại”.

Q.M (theo AFP, BBC)

Đọc thêm