Thủ tướng: Khẩn trương đưa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống

(PLVN) - Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể, thiết thực", khẩn trương đưa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề quán triệt Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tại Hội nghị.

Sáng 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề quán triệt Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức.

Kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng

Truyền đạt chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTTN và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68”, Thủ tướng tập trung giới thiệu các nhóm nội dung chủ yếu gồm: khái quát thực trạng khu vực KTTN; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN; nội dung chính của Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 198/2025/QH15 và công tác tổ chức thực hiện.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính việc phát triển KTTN được thể hiện tại các văn kiện, nghị quyết, luật của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong suốt gần 40 năm qua.

Đánh giá khái quát về kết quả và đóng góp của KTTN trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Thủ tướng nêu rõ: KTTN liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước; tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

Đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia cả về số lượng, quy mô, đóng góp vào GDP, tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với các loại hình doanh nghiệp khác còn hạn chế...

Khái quát ngắn gọn việc phát triển KTTN còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thực xây dựng các đề án, dự thảo trình Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành các Nghị quyết về phát triển KTTN.

Theo Thủ tướng, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển KTTN: khẳng định KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN.

Cho rằng cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chiến sỹ trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước.

Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm thực hiện tinh thần “6 rõ”

Để đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển KTTN.

Thủ tướng cho biết, nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay. Đó là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; Tăng cường tiếp cận các nguồn lực; Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Tăng cường kết nối doanh nghiệp; Phát triển DNTN lớn; Hỗ trợ DNTN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Nhóm 1, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển KTTN.

Thủ tướng nêu rõ, đây là yêu cầu trước hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển KTTN; yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền (cổ vũ, lan toả những mô hình tốt, cách làm hay, khích lệ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân; nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân).

Nhóm 2, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp này nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề thể chế, không để thể chế tiếp tục là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ KTTN phát triển. Tinh thần đặt ra là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm".

Khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán giữa giữa các bộ, ngành, địa phương; chủ động kiến tạo một môi trường thể chế thuận lợi nhất; tập trung giải quyết về bản chất những vấn đề cốt lõi nhất về bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng, thực thi hợp đồng; phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển KTTN.

Về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xoá bỏ các rào cản tiếp cận thị trường; tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Không phân biệt đối xử giữa KTTN với các thành phần kinh tế khác trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển KTTN.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: PV

Về phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, Nghị quyết nêu rõ: Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Nhóm 3 là tạo thuận lợi cho KTTN tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng, đây cũng là điểm mới của Nghị quyết, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc.

Nhóm 4 là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong KTTN, với các cơ chế, chính sách đột phá.

Nhóm 5 là tăng cường kết nối giữa các DNTN, DNTN với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Nhóm 6 là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân thông qua các mô hình "lãnh đạo công - quản trị tư", "đầu tư công - quản lý tư", "đầu tư tư - sử dụng công".

Nhóm 7 là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Nhóm 8 là đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Thiết lập mối quan hệ giữa các cấp uỷ đảng, chính quyền với DNTN chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành; phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phát triển Đảng trong khu vực DNTN, doanh nhân.

Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng uỷ Quốc hội, Đảng uỷ Chính phủ, các Ban Đảng ở Trung ương, Đảng uỷ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW.

Về Kế hoạch hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hoá, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phương châm đặt ra là phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngày 17/5/2025 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 thì cũng trong ngày 17/5/2025, Chính phủ Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời, trao đổi về các ý kiến của các đại biểu doanh nghiệp về hiện thực hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân; vấn đề số hóa hệ thống pháp luật, để tiếp kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có xây dựng cổng pháp lý số phục vụ doanh nghiệp; việc tạo điều kiện tiếp cận về đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Đọc thêm