Thủ tướng: Phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh thể hiện bản lĩnh "biến không thành có"

(PLVN) - Sáng 26/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), tuyến đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả (giai đoạn 1). Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã đi thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn-Móng Cái.
Thủ tướng trực tiếp lên phương tiện đang thi công trên công trường để thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng nêu rõ 8 ý nghĩa quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh.

Theo đó, phát triển hạ tầng giao thông tại Quảng Ninh góp phần thực hiện và chứng minh sự đúng đắn trong chủ trương, đường lối rất lớn của Đảng về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông.

Thứ hai, phát triển hạ tầng giao thông để góp phần phát triển nhanh, bền vững, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Quảng Ninh đã phát triển chuyển từ nâu sang xanh. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự lễ khánh thành cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ ba, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, các nghị quyết Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp lại các đơn vị hành chính để tạo không gian phát triển mới. Trong đó, Quảng Ninh đã sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP. Hạ Long với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân.

"Tôi nhớ một buổi chiều cách đây khoảng 10 năm, khi trao đổi với KTS Salvador Perez Arroyo (Tây Ban Nha) về quy hoạch Hạ Long, tôi đã nói với lãnh đạo thành phố là Hạ Long phải lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm phát triển, Hạ Long gắn với Hoành Bồ và sẽ xây dựng các cây cầu từ Hạ Long sang Hoành Bồ, tạo không gian phát triển mới. Phải phát triển du lịch, dịch vụ để tạo ra nguồn thu bền vững, chứ không chỉ phát triển bất động sản", Thủ tướng nói.

Thủ tướng thăm hỏi, động viên người dân tại lễ khánh thành, thông tuyến các công trình hạ tầng giao thông lớn của Quảng Ninh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ tư, thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức không gian lãnh thổ Quảng Ninh theo hướng "Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá". Quy hoạch này đã được thực tế chứng minh là đúng và đang dần được hiện thực hóa, gắn kết chặt chẽ với cả vùng, tạo sự phát triển rất nhanh, Hải Phòng, Quảng Ninh trở thành các cực tăng trưởng mới.

Thứ năm, các dự án hạ tầng giao thông giúp đẩy mạnh kết nối vùng, liên kết Quảng Ninh với các địa phương vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh triển khai tuyến đường ven biển để kết nối suốt từ Thanh Hóa tới Móng Cái, Quảng Ninh, tạo động lực phát triển mới cho khu vực.

Thứ sáu, khi hệ thống hạ tầng giao thông, điện… được hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. "Tại sao ta giải phóng mặt bằng nhanh, như giải phóng mặt bằng cho sân bay Vân Đồn chỉ có mấy tháng? Tại sao chúng ta sáp nhập Hạ Long và Hoành Bồ nhanh như vậy? Bởi các dự án của chúng ta là dự án của lòng dân, mang lại ý nghĩa cho họ, nên người dân đồng tình, ủng hộ, vào cuộc", Thủ tướng phân tích.

Thứ bảy, các dự án chứng minh tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể". Đồng thời chứng minh bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, thống nhất của lãnh đạo địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dự Lễ khánh thành đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thứ tám, chứng minh việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa địa phương và Trung ương; sự phối hợp giữa địa phương và các nhà thầu như Đèo Cả cũng rất quan trọng để các dự án hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

"Từ đó, chúng ta thấy sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, quyết tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp. Đột phá này là nhờ sự ưu việt của hệ thống chính trị của chúng ta, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Chúng ta phải thấy ý nghĩa to lớn như vậy để chúng ta tiếp tục làm các công trình khác. Những việc chúng ta đã làm được là khó khăn hơn những việc sắp làm, mong các đồng chí tiếp tục làm những công trình có tầm vóc lớn hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị tỉnh kiểm soát dịch COVID-19 tốt hơn nữa, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine theo phát động của Thủ tướng Chính phủ về chiến dịch tiêm chủng mùa xuân; chuẩn bị thuốc đặc trị COVID-19; tiếp tục đề cao ý thức người dân; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Trung ương, không áp dụng các biện pháp cực đoan mà linh hoạt nhất có thể, phù hợp tình hình cụ thể từng địa phương theo phạm vi hẹp nhất.

Điểm nhấn tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả là hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh và là một trong những hầm xuyên núi có nền đường lớn ở Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Mở ra cơ hội mới cho hai thành phố bên bờ di sản

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, cầu Tình Yêu góp phần giảm tải cho cầu Bãi Cháy, kết nối giao thông các phường, xã trung tâm của huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP. Hạ Long. Với cảnh quan đẹp, kết cấu độc đáo, tên gọi lãng mạn, cầu Tình Yêu là điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, được kỳ vọng sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn với du khách, người dân.

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả là công trình giao thông kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, du lịch của 2 trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh Quảng Ninh là TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả, mở ra một không gian phát triển mới cho Quảng Ninh, nhất là lợi thế về mặt biển, góp phần khai thác bền vững hai di sản là Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Tuyến đường này được đánh giá là tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, độc đáo ở Việt Nam bởi có sự kết hợp của núi và biển với những cảnh quan đặc sắc, phong phú.

Thủ tướng nghe báo cáo kỹ thuật về tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Tiên Yên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Điểm nhấn tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả là hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh và là một trong những hầm xuyên núi có nền đường lớn ở Việt Nam. Đường hầm xuyên núi dài 235 m, gồm 2 ống hầm, mỗi ống 3 làn xe, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, được coi là phần việc khó nhất của dự án đường này.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc khánh thành các công trình Cầu Tình Yêu và Đường bao biển nối TP. Hạ Long với TP. Cẩm Phả và thông xe tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có ý nghĩa vô cùng quan trọng; hình thành hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo ra bước đột phá về không gian phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác hóa lãnh thổ, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, hợp tác quốc tế, đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực hợp tác Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng; tạo thêm các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh Quảng Ninh, mở ra cơ hội mới cho hai thành phố bên bờ di sản.

Tư duy đổi mới, cách làm đột phá của Quảng Ninh

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, là một trong ba khâu đột phá chiến lược đã được xác định qua nhiều kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong những năm qua, Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình trọng điểm cả trong và ngoài ngân sách.

Tỉnh Quảng Ninh với quyết tâm chính trị cao và tư duy đổi mới, đột phá trong cách nghĩ, cách làm, đã huy động được nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với hàng loạt các dự án lớn, có ý nghĩa chiến lược và vai trò động lực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung.

Thủ tướng động viên, tặng quà công nhân đang thi công trên tuyến Vân Đồn-Tiên Yên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các công trình, dự án động lực trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai khẳng định kết quả thành công của tỉnh trong thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối liên vùng, nội vùng.

Trong giai đoạn 2014-2020, đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng với các công trình hạ tầng động lực, hiện đại được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Cầu Bạch Đằng; đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn; …) và sắp tới đây là tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu).

Cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu) nằm trong hệ thống các cầu bắc qua vịnh Cửa Lục. Cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265 m, là cầu 6 làn xe đầu tiên của Quảng Ninh, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có tổng chiều dài 18,7 km, thiết kế 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Đây là các công trình do tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tập đoàn Đèo Cả là đại diện liên danh nhà thầu.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc xương sống dọc tỉnh Quảng Ninh gồm Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài gần 200 km. Dự án gồm 2 dự án thành phần: Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; dự án Đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức PPP, hợp đồng BOT có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng (trong đó, vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh Quảng Ninh xây dựng các công trình phụ trợ là 490 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 8.623 tỷ đồng).

Đọc thêm