Thủ tướng Thái Lan hầu tòa

Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đối mặt với lệnh cấm hoạt động do cáo buộc bê bối quỹ tranh cử. Ngày 18-10, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã xuất hiện tại Tòa án Hiến pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn việc Đảng Dân chủ của ông bị cấm hoạt động.
Đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đối mặt với lệnh cấm hoạt động do cáo buộc bê bối quỹ tranh cử. Ngày 18-10, Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã xuất hiện tại Tòa án Hiến pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn việc Đảng Dân chủ của ông bị cấm hoạt động.
Thủ tướng Abhisit Vejjajiva (giữa) đến Tòa án Hiến pháp. Ảnh: AFP
Ông Abhisit là nhân chứng trong nghi án đảng cầm quyền tham nhũng. Đây có thể là phiên điều trần cuối cùng với cáo buộc Đảng Dân chủ sử dụng sai mục đích Quỹ Phát triển chính trị của Ủy ban bầu cử năm 2005 là 29 triệu baht (900.000 USD). Đồng thời, tòa án xem xét cáo buộc Đảng Dân chủ nhận 258 triệu baht (8,65 triệu USD) từ Tập đoàn xi-măng TPI Polene Plc của Prachai Leophairatana, một thương gia - chính trị gia, cũng vào năm 2005. Đảng cầm quyền cũng bị cáo buộc đã trả 23 triệu baht cho các công ty quảng cáo pa-nô, áp-phích, trong khi họ chỉ được phép trả 19 triệu baht. 

AFP cho biết, Thủ tướng Abhisit tiến vào tòa án trong lúc an ninh được thắt chặt tại thủ đô Bangkok. Nhà lãnh đạo này không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của báo giới tập trung ở phía bên ngoài tòa án. Phiên điều trần sẽ khép lại vào ngày 29-11 tới.

Đảng Dân chủ - đảng lâu đời nhất ở Thái Lan - có nguy cơ giải tán nếu bị kết tội vi phạm Hiến pháp. Còn ông Abhisit - năm 2005 là phó lãnh đạo của đảng này - cùng với các đồng sự của mình cũng có thể bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Tháng 4 vừa qua, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã kêu gọi giải tán Đảng Dân chủ do những cáo buộc trên. Kêu gọi này được đưa ra giữa lúc đất nước Thái Lan đối mặt với vụ bạo lực chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, với hàng loạt cuộc xung đột trên đường phố giữa lực lượng biểu tình chống Chính phủ với quân đội, khiến 91 người thiệt mạng và 1.900 người bị thương.

Trước đây, trong hệ thống chính trị của Thái Lan, các quyết định của tòa án đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, Tòa án Hiến pháp đã giải tán 2 đảng liên quan đến ông mặc dù những đảng này giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Theo phán quyết của tòa án, không những Đảng Thai Rak Thai bị giải thể vào năm 2007 mà 111 nghị sĩ đảng này còn bị cấm tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm. Cũng từ quyết định của tòa án, 2 Thủ tướng của Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) đã bị lật đổ vào năm 2008, trong đó ông Samak Sundaravej phải rời bỏ cương vị do chi trả tiền cho các chương trình truyền hình.

Tờ Bangkok Post cho biết, Chánh án Tòa án Hiến pháp Chat Chonlaworn ngày 18-10 đã tuyên bố cách chức Pasit Sakdanarong - thư ký riêng của Thủ tướng Abhisit - sau khi người phát ngôn của Đảng Puea Thai tiết lộ với báo giới một đoạn băng cho thấy đoạn hội thoại giữa ông Pasit và Wirat Romyen - đảng viên Dân chủ. Đảng đối lập Puea Thai cáo buộc 2 nhân vật này tìm cách vận động hành lang và gây ảnh hưởng trong vụ xét xử đang diễn ra. Tuy nhiên, ông Wirat cho rằng, đoạn băng trên là âm mưu của phe đối lập được chuẩn bị cẩn thận nhằm phá hoại đảng này. Còn Chủ tịch Quốc hội Chai Chidchob khẳng định: Việc công bố đoạn băng không ảnh hưởng gì đến quyết định của tòa án về vụ việc chống lại Đảng Dân chủ.

Các nhà quan sát cho rằng, Thủ tướng Abhisit đang bảo vệ cho đảng cầm quyền nhưng thực chất ông cũng đang đấu tranh cho tương lai chính trị của mình. Theo hãng tin Bloomberg, nhà lãnh đạo này có thể kêu gọi bầu cử vào cuối năm tới.

PHÚC NGUYÊN

Đọc thêm