Thú vị chuyện rồng từ… Đông sang Tây

Con rồng – sinh vật vốn chỉ tồn tại trong trí tượng tưởng của con người – xuất hiện trong văn hóa của cả phương Tây lẫn phương Đông. Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa, con rồng lại mang những ý nghĩa khác biệt, thậm chí… đối lập nhau.

Con rồng – sinh vật vốn chỉ tồn tại trong trí tượng tưởng của con người – xuất hiện trong văn hóa của cả phương Tây lẫn phương Đông. Tuy nhiên, ở mỗi nền văn hóa, con rồng lại mang những ý nghĩa khác biệt, thậm chí… đối lập nhau.

Rồng Đài Loan.
Rồng Đài Loan.

Vị thần sức mạnh…

Con rồng từ lâu đã xuất hiện trong các truyền thuyết của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Á. Con vật đứng đầu bộ “tứ linh” này thường được mô tả trực quan là sự tổng hợp các bộ phận của 9 con thú: đầu của lạc đà, sừng của hươu, tai của bò, mắt của thỏ, mình của rắn, bụng của một con sò lớn, vảy của cá chép, móng vuốt của đại bàng và bàn chân của hổ. Rồng thường cắp một viên ngọc - vật tượng trưng cho trí tuệ và chân lý - trong miệng hay trong lòng bàn chân.

Theo quan niệm của đa số các dân tộc ở châu Á, rồng là vị thần có quyền năng rất lớn, có thể hô mưa gọi gió, đội sông lật biển, kiểm soát lũ lụt. Con rồng chính là thần linh bảo hộ vạn vật, là nguồn nước tưới cho ruộng đồng tốt tươi, đem đến những vụ mùa bội thu cho con người.

Được xem là vua của tạo sinh động vật, nên rồng còn là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp đối với người phương Đông. Trong những truyền thuyết, thần thoại của các nước phương Đông, dù cốt truyện có khác nhau nhưng con rồng luôn được coi là một biểu tượng cho sự cao quý tốt đẹp. Người Việt Nam ngàn đời nay vẫn luôn tự hào về dòng dõi “con Rồng cháu Tiên” của mình hay bà mẹ thủy tổ của người Khơme là con gái của vua rồng huyền thoại.

Rồng Việt Nam.
Rồng Việt Nam.

Các vị hoàng đế Trung Quốc xưa thì cho mình là những con rồng do Ngọc Hoàng Thượng đế sinh ra. Chiếc giường mà vua ngủ, vì vậy, được gọi là “long sàng”, ngai vàng được gọi là “ngai rồng”, những bộ trang phục thiết triều được gọi là “long bào”, xe mà vua đi thì được gọi là “long xa”; thậm chí, hoàng hậu có thai thì cái thai ấy được cung kính gọi là “thai rồng”.

Con rồng trong tâm niệm của người Hàn Quốc là biểu tượng của sức mạnh tâm linh, của may mắn, giàu sang và hạnh phúc. Trong những ngôi chùa, ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngôi tam bảo, con rồng còn đem lại sự bình yên, giàu có và thịnh vượng cho con người. Tương tự như vậy, con rồng của người Ấn Độ, Malaysia, Indonesia là những vị thần của tự nhiên, có bản chất nhân từ, thường gắn liền với những ngọn núi, khu rừng thiêng hay những vùng biển nhất định. Con rồng Nhật Bản, thậm chí, còn có thể biến ước mơ của con người thành hiện thực.

Rồng hiển linh trong khi đó được cho là điềm báo đất nước sẽ có vị minh quân hay hiền nhân, hoặc những triều đại tốt đẹp. Tháng 8/1010, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La thì thấy rồng bay lên nên đã đặt tên kinh đô mới là Thăng Long để thể hiện khát vọng và tư thế vươn lên của cả dân tộc. Ở Lào, thế kỷ XV, vua Setthathilat cho dời kinh đô từ Luông Pha băng ra Viêng Chăn và đặt tên thủ đô là Si Xattanahutta, có nghĩa là kinh đô của hàng triệu con rồng nhằm biểu dương sức mạnh của vương quốc.

Thánh George giết rồng.
Thánh George giết rồng.

…Hay hiện thân của sự độc ác?

Nếu phương Đông xem rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng thì ngược lại, người phương Tây lại coi rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác và là đối tượng mà con người cần phải chinh phục. Vết tích cổ xưa nhất về rồng ở phương Tây nằm trong truyền thuyết Hy Lạp nói về Cadmus – cháu của thần biển Poseidon.

Theo câu chuyện này, Zeus đã bắt cóc Europa – một người phụ nữ trẻ khỏi quê hương Phoenicia của nàng. Cha nàng đã ra lệnh cho anh trai Europa là Cadmus đi tìm và Cadmus chỉ được trở về khi tìm thấy và mang được em gái về cùng. Cadmus biết là sẽ không bao giờ tìm được em nên quyết định tìm một vùng đất mới để gây dựng nên thành phố của riêng mình. Nghe theo lời khuyên của Apollo, Cadmus tìm thấy Thebes là nơi thích hợp để xây dựng thành phố.

Tuy nhiên, khi đi tìm nguồn nước thì tất cả mọi người bị một con rồng canh giữ ngọn suối giết chết. Sau đó, Cadmus đã giết chết con rồng, nhổ răng của rồng và gieo xuống mảnh đất. Từ mỗi chiếc răng được gieo đã nảy sinh ra một người lính, những người này đánh giết lẫn nhau cho đến khi chỉ còn năm người sống sót. Cùng với họ, Cadmus đã xây dựng nên thành phố của mình và 5 người kia trở thành những cư dân đầu tiên của thành phố.

Tượng rồng ở Slovenia.
Tượng rồng ở Slovenia.

Con rồng của người châu Âu nói chung có hình dáng của con khủng long nhưng có thêm sừng, cánh, vây ở lưng và có thể phun ra lửa hoặc nước… Nếu người Trung Quốc quan niệm rằng sự khác biệt của con rồng nằm ở số móng vuốt thì người châu Âu lại cho rằng con rồng càng có nhiều đầu thì càng có địa vị cao. Các đầu này có khả năng tự mọc ra nếu bị chặt mất đầu cũ. Con rồng trong quan niệm của người châu Âu cũng được xem là loài vật tượng trưng cho sức mạnh nhưng nghiêng về ý nghĩa độc ác, hung dữ.

Người Tây Ban Nha cho rằng, con rồng thuộc giới nữ và phun ra lửa. Hơi thở của nó chứa chất độc, có thể phá hủy tất cả mọi thứ. Con rồng theo truyền thuyết của người Italia lại là một con rắn bất tử, sống trong rừng sâu và có thể giết chết con người chỉ bằng ánh nhìn của nó. Còn các chuyện của Hungary kể lại rằng, con rồng vốn mang đặc điểm của loài phá hoại, chuyên sách nhiễu người dân, sống trong một khu đầm lầy và thường xuyên bắt cừu và lợn của con người.

Nhìn chung, trong các tích truyện của các dân tộc ở châu Âu, con rồng thường được miêu tả là con vật “hữu dũng vô mưu”, làm nền cho sự xuất hiện của một người anh hùng. Vị anh hùng này sẽ là người giết chết con rồng quái vật để cứu cả một dân tộc hay nàng công chúa, hoặc giành lấy kho báu….

Tựu chung lại, con rồng trong thần thoại phương Tây chính là hiện thân của sự xấu xa, độc ác, cần bị trừng phạt...; đối lập với nhân vật chính là những anh hùng địa phương. Chiến đấu với rồng chính là quá trình con người đấu tranh và giành thắng lợi trước những thế lực đen tối, chinh phục. Trong các câu chuyện của người Thiên chúa giáo, sự khuất phục rồng của các vị thánh trở thành biểu tượng chiến thắng của cái thiện.

Như vậy, trong quan niệm của người phương Đông, rồng là biểu tượng của sự cao quý tốt đẹp, thăng hoa và thịnh vượng. Hình tượng con rồng thể hiện sự vươn tới cái đẹp chân - thiện - mỹ. Ngược lại, với các nước phương Tây, con rồng là biểu tượng của sự xấu xa, độc ác, phá hoại.

Nhưng quá trình người dũng sỹ tiêu diệt rồng cũng chính quá trình con người đấu tranh chiến thắng những cái xấu, cái ác, cái tối tăm để hướng đến những điều tốt đẹp nhất, thể hiện rõ nét vẻ đẹp của bản thân. Vì vậy, có thể nói hình tượng con rồng của người phương Đông cũng như phương Tây đều góp phần thúc đẩy xã hội, giúp con người nhận thức và khám phá thế giới.

Ngày nay, từ hình ảnh mang tính chất biểu tượng, con rồng đã được “hiện thực hóa” khi được dùng để chỉ 4 nước, vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển nổi bật ở châu Á là Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Bốn con rồng châu Á này đã duy trì được tốc độc tăng trưởng cao và công nghiệp hóa nhanh trong những năm 1960 đến 1990.

Trong thế kỷ 21, cả 4 nước này đã phát triển thành các nước tiên tiến, có thu nhập cao và chuyên môn hóa trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, là điển hình cho các nước đang phát triển khác học tập…

Hà Dung (tổng hợp)

Đọc thêm