Thú chơi tao nhã
Khi công nghệ chưa phát triển bùng nổ như hiện tại, tìm đọc một cuốn sách luôn khó khăn. Tiết kiệm tiền để mua rồi truyền nhau đọc cho nhàu nát cuốn “Tam Quốc Chí” hay “Tây du ký”… Với những đứa trẻ nông thôn như tôi, đọc sách ở mọi không gian: bên ánh đèn dầu, lúc đi chăn trâu, bò hay những trưa hè dưới bóng cây râm mát… Thế giới trong sách lúc đó đầy mộng tưởng với Tôn Ngộ Không biến hoá khôn lường, bay nhảy trên không trung, rồi cuộc chiến không ngớt của phe phái trong Tam Quốc Chí…
Sách thì hiếm, nên có thứ gì là đọc hết, từ những cuốn họa báo Liên Xô bán ở chợ cho đến tờ “Hoa học trò” phải đặt ở thư viện của huyện. Tôi nhớ hồi đó tờ “Hoa học trò” đẹp quá, 1 tuần mới có một cuốn nên háo hức lắm. Khi cầm tờ báo trên tay, với một chàng trai đang tuổi dậy thì nhìn những cô nữ sinh mặc áo dài trắng đến trường, những vần thơ mộng rớt tuổi học trò, truyện ngắn nào cũng thú vị, hồn nhiên, rồi mục tư vấn của anh Chánh Văn thật cuốn hút… Tờ “Hoa học trò” lúc đó đúng là “báu vật” của tuổi mới lớn.
Tôi nhớ có lần mẹ tôi đưa cho tôi một tập giấy viết, tôi mở ra thì mới biết rằng đó là tác phẩm “Chinh phụ ngâm” được mẹ tôi chép lại đưa cho tôi đọc. Mẹ tôi kể rằng hồi học sư phạm vì không có tiền mua sách nên vào thư viện chép lại cuốn “Chinh phụ ngâm” này. Đến bây giờ đọc lại vẫn thấy chữ mẹ đẹp dù giấy đã úa màu.
Tôi không có thống kê rằng người xưa đọc sách nhiều hơn bây giờ, nhưng tôi nghĩ đọc là nhu cầu lớn của loài người. Theo nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ thì không phải vô cớ khi các nền văn minh lớn trên thế giới thời xa xưa như Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Hồi giáo, Trung Quốc, châu Âu thời Trung cổ… lại đầu tư khoản chi phí khổng lồ để xây dựng những thư viện công lưu trữ các trước tác vĩ đại và các văn thư quan trọng.
Thư viện, với ý nghĩa xa xưa nhất, vẫn luôn luôn là nơi cất giữ, bảo quản tư liệu và sách, cũng như tạo cơ hội tiếp cận cho những độc giả muốn truy cầu tri thức, từ đó hình thành nên nền tảng vững chắc, góp phần cùng giáo dục để tạo ra những công dân thông minh và giỏi giang.
Thế giới đọc của tôi cũng là phần nào phản ánh sự khó khăn thời bao cấp khi mà ngành xuất bản chưa được cởi mở như bây giờ, sách chưa xuất bản nhiều, đa dạng… nhưng chúng ta vẫn tìm thấy trong đó những viên ngọc quý của nhân loại. Sự khan hiếm của sách thời đó khiến cho việc ra đời một cuốn sách luôn quí báu, người viết hay dịch sách cũng rất cẩn trọng, chứ không lan tràn hay làm ẩu như bây giờ. Nhiều người nói “bây giờ hễ ai có tiền đều có thể in thơ, tiểu thuyết hay nhật ký cho riêng mình, nó tạo ra nhiều sản phẩm “rác” trong thế giới đọc”.
Thế nên, chuyện đọc xưa và nay đã khác nhau nhiều. Xưa đọc thụ động hơn vì nó hiếm, nay đọc phải chọn lọc, tìm kiếm theo gu của mình. Sự vũ bão của truyền thông khiến con người choáng ngợp, nên nhớ đến không gian đọc sách ngày xưa thấy đáng giá biết bao.
Văn hóa đọc đã và đang bị lấn lướt
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Huệ) |
Theo nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân, ở Thủ đô xưa từ thời thuộc Pháp cho đến ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 hay cả đến thời bao cấp, chuyện đọc sách vẫn luôn thường trực trong đời sống tinh thần người Việt.
Ông chia sẻ: “Văn hóa đọc trở thành nếp quen cho mọi thành viên trong gia đình. Không phải ai muốn đọc gì thì đọc mà còn có quy định: các em từ 16 tuổi trở xuống chỉ được đọc sách dành cho thiếu nhi, không được xem tiểu thuyết của các nhà xuất bản Tân Dân, Ngày Nay, Ðời Mới, Cộng Lực... Những sách quý, sách giá trị đều được đóng bìa cứng, gáy vải hoặc gáy da mạ chữ vàng, ngoài tên tác giả, tên sách, còn có tên tủ sách gia đình...”.
Bên trong lại có dấu son tượng trưng cho tủ sách của từng gia đình rất trang trọng đóng ở trang bìa giả. Không chỉ có sách, còn nhiều loại báo, tạp chí cũng được đóng thành bộ từng năm hoặc nửa năm một như: Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ năm, Phong hóa, Ích hữu, Ngày nay, Phổ thông bán nguyệt san, Hà Nội báo, Trung Bắc tân văn chủ nhật, Thanh nghị, Tri tân, Phụ nữ thời đàm... Thiếu nhi có Truyền bá, Sách hồng, Hoa mai... Tủ sách gia đình các nhà nho có sách chữ Hán, chữ Nôm; gia đình trí thức mới có sách tiếng Pháp xuất bản ở nước ngoài, các loại từ điển.
Nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết thêm, một số doanh nhân giàu có cũng lập tủ sách gia đình, đóng bìa cứng gáy da mạ chữ vàng, mua các bộ từ điển bách khoa, từ điển song ngữ để trong tủ kính sáng choang đặt ở phòng khách. Tủ sách này chỉ để trưng bày, còn sử dụng không nhiều.
Bản chép tay “Chinh phụ ngâm” của mẹ tôi. |
Gia đình nhà văn Vũ Ngọc Phan có tủ sách gia đình rất lớn, có hàng nghìn cuốn sách quý xuất bản cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nay trở thành gia bảo của con cháu họ Vũ. Ông chủ nhà xuất bản Tân Dân Vũ Ðình Long có sách biếu, sách trao đổi nên tủ sách gia đình rất đồ sộ. Ngày Thủ đô mới giải phóng, tôi đến thăm, ông nằm trên giường đệm gấm, giữa các bức tường là sách bày gáy trong tủ kính.
Người Hà Nội ngày ấy chưa có các phương tiện thông tin điện tử nên báo hằng ngày, hằng tuần là “thức ăn tinh thần” chủ yếu. Sáng tinh mơ đã có tiếng trẻ rao: “Ðông Pháp, Trung Bắc tân văn báo ơ!”. Công chức vừa đọc báo, vừa ăn sáng trước khi đi làm. Nhà khá giả đặt mua báo hằng tháng, báo năm được giá rẻ hơn và được tặng các số đặc biệt, số Tết... nên báo tăng giá giữa kỳ không phải trả thêm. Về sách, báo thời trước do quan điểm phong kiến nên loại dành cho phụ nữ không nhiều. Rất ít sách về nữ công gia chánh, sách làm đẹp. Phụ nữ chỉ cần biết đọc, biết viết, không cho con gái học nhiều. Cả thành phố chỉ có hai, ba trường dành riêng cho nữ sinh mà thôi.
Văn hóa đọc ngày ấy thành nếp quen của người Hà Nội. Người ta chờ đợi đúng ngày xuất bản để mua những số báo, tập sách còn thơm mùi giấy mực. Sách chỉ xén hai cạnh, còn cạnh trên vẫn nguyên nếp gập, phải lấy dao rọc ra mới đọc được, cho nên phân biệt sách mới, sách đã dùng rõ ràng.
Nói về việc xuất bản và đọc sách ở thời này, ông Giang Quân cho rằng: “Sách xuất bản tràn lan, mỗi tháng có tới hàng trăm tên sách. Nhà xuất bản cũng có hàng trăm. Nhưng số lượng xuất bản từng cuốn lại không nhiều. Nếu như ngày Thủ đô mới giải phóng và những năm 1960 - 1970, có cuốn in lần đầu đã hàng vạn bản, sau tái bản nhiều lần, tổng số có tới ba, bốn chục vạn bản như thơ Tố Hữu, Nhật ký trong tù, Từ tuyến đầu Tổ quốc... Nay có cuốn chỉ in vài ba trăm, chủ yếu để tặng, chứ bày bán chắc cũng ít ai mua. Có một loại sách hấp dẫn với các em, đó là truyện tranh nước ngoài. Rằng hay thì thật là hay nhưng có nhiều vấn đề không thích hợp với bản sắc văn hóa dân tộc”.
Văn hóa đọc với lớp trẻ bị hạn chế vì sự bùng nổ của các chương trình phát thanh, truyền hình trên màn ảnh nhỏ. Chỉ cần một máy điện thoại, họ có thể xem tin tức, đọc tiểu thuyết, xem phim ảnh, nghe nhạc ở mọi lúc, mọi nơi... Chỉ có những người già còn gắn bó mật thiết với văn hóa đọc. “Lịch sử phát triển tất nhiên phải có những thay thế nhất định. Nhưng dù sao văn hóa đọc vẫn là thứ cơ bản. Người đọc vừa xem vừa ngẫm nghĩ, vừa thấm nhuần những tư tưởng mà từng trang sách mang tới. Ðiều đó ít tìm thấy trên mạng, chủ yếu chỉ để lướt nhanh cho biết. Có rộng nhưng khó sâu” - nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân bùi ngùi.
“Từ xa xưa, đối với mỗi người đọc sách, thư viện là thánh đường, nơi ấy mỗi khi họ bước vào đều cảm nhận sâu sắc phúc phận được tiếp cận với tri thức của bản thân. Thư viện thuở ấy là nơi không dễ để bước vào, bởi để bước chân vào thư viện, một người cần phải là một học giả được công nhận, hoặc là môn đệ của một trường phái được chấp thuận, hoặc thuộc tầng lớp tu sĩ và quý tộc… Thời đại đổi thay, dần dần, chúng ta không còn cảm giác linh thiêng, tự hào khi được bước chân vào thư viện nữa.
Một buổi sáng ngày thường trong Thư viện quốc gia Hà Nội, ta có thể thấy nhiều người không phân biệt già trẻ, trai gái ngồi kín chỗ tại thư viện. Nhiều người trong số ấy chọn cho mình các cuốn sách trên kệ, một số thì chỉ đơn giản là mở máy tính và làm công việc riêng.
Thư viện với không gian rộng rãi, yên tĩnh, không chỉ là nơi mượn sách nữa, mà đã trở thành một không gian công cộng phục vụ nhu cầu học tập và làm việc cá nhân với chi phí rẻ. Tương tự như vậy, khi các quán cà phê thư viện mọc lên, thì hoạt động đọc sách tại thư viện chung không phải là thiết yếu, mà các vị khách có nhu cầu tìm một góc yên tĩnh cho mình. Thư viện đối với người hiện đại trở thành một góc yên tĩnh, trốn khỏi không khí xô bồ và ồn ào”. - Nhà văn Hà Thủy Nguyên