Khắc phục hạn chế hoạt động tư pháp
Tính đến nay, sau hơn ba năm triển khai thí điểm TPL tại TP.HCM, chế định mới này đã góp phần bổ sung những hạn chế của hoạt động tư pháp, từ đó tạo điều kiện cho người dân lựa chọn cơ quan tổ chức thi hành án thích hợp và hiệu quả nhất, giảm “xung đột”, tranh chấp, khiếu kiện; thúc đẩy các cơ quan thi hành án dân sự nhà nước đổi mới phương thức hoạt động. Có thể nói, bước đầu thành công tại TP.HCM là tiền đề để tiếp tục thí điểm chế định TPL tại một số địa phương khác.
Theo ông Trần Thế Lưu - Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM, số lượng vụ việc và doanh thu của các Văn phòng TPL có chiều hướng gia tăng – một tín hiệu vui. Tuy nhiên, doanh thu chủ yếu vẫn là việc lập vi bằng. Đáng lưu ý là hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án lại mới chỉ chiếm khoảng gần 4%.
“Số liệu trên chưa phản ánh đúng nhu cầu to lớn của người dân TP.HCM cũng như năng lực của các Văn phòng TPL, đặc biệt là việc trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự”. Nguyên nhân là do quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL nên dẫn đến một số hạn chế trên.
Tuy nhiên có thể nói, những thành công trong việc thí điểm chế định TPL ở TP.HCM mới chỉ là bước đầu. Việc thí điểm TPL cũng đã bộc lộ một số hạn chế, có thể do lúng túng về quy trình thủ tục, một phần do sự phối kết hợp giữa các ngành Trung ương với ở địa phương. Điều đó cho thấy sự phức tạp đa ngành, đa cấp khi thực hiện một chủ trương mới.
Mới đây, ngày 18/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan thẩm quyền lập vi bằng, xác minh điều kiện, tổ chức thi hành án, tống đạt giấy tờ của TPL đã được quy định tại Nghị định 61/2009 trước đó. Nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình thi hành án, xác minh điều kiện thi hành của TPL được hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, Nghị định quy định: Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, các cơ quan đăng ký tài sản khác và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của TPL về xác minh tài sản thi hành án.
Đáp ứng trúng nhu cầu xã hội
Ths. Nguyễn Tiến Pháp - Trưởng Văn phòng TPL quận 10, TP.HCM chia sẻ: “Do TPL là một chế định mới nên trong quá trình công tác, việc xác minh điều kiện thi hành án gặp khá nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác từ phía các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Thực tế, TPL bằng biện pháp nghiệp vụ của mình, mới chỉ đặt ra những nghi vấn về tài sản mà chưa thể cụ thể hóa bằng một văn bản có giá trị pháp lý. TPL chỉ có thể cung cấp được kết quả xác minh điều kiện thi hành án cho khách hàng nếu có sự hợp tác từ phía các cơ quan có thẩm quyền như Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế, các tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký xe, UBND phường, ngân hàng…” .
Ông Pháp cho rằng, chính vì sự phối hợp chưa thực sự nhịp nhàng nên các cơ quan nói trên rất e dè khi cung cấp kết quả xác minh cho TPL. Thậm chí, nhiều cơ quan còn đưa ra lí do là họ chỉ cung cấp kết quả xác minh cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc cung cấp thông tin cho TPL chưa được quy định trong luật chuyên ngành, hoặc phải chờ hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên.
Trong khi đó, nghĩa vụ cung cấp thông tin cho TPL đã được quy định rất rõ trong Nghị định 61 và Nghị định 135. Mặc dù vậy, các Văn phòng TPL vẫn phải tìm cách vượt qua những khó khăn này, phải kiên trì giải thích chức năng, nhiệm vụ của TPL, các quy định pháp luật có liên quan để thuyết phục các cơ quan này cung cấp thông tin...
Ông Đoàn Tiến Hưng - Trưởng Văn phòng TPL quận 1, TP.HCM thì cho biết, chế định TPL đã “đánh trúng” vào nhu cầu bức xúc của xã hội trong việc thu thập và tạo lập chứng cứ trong hoạt động tố tụng. Các văn bản do TPL lập có giá trị chứng cứ giúp các tổ chức, cá nhân bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế, thương mại và cả về lao động... Ngoài ra, việc triển khai thí điểm các Văn phòng TPL trên địa bàn TP.HCM đã góp phần giảm tải công việc của Tòa án và cơ quan THADS trong việc tống đạt văn bản.
Tại Kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2008, Quốc hội khoá XII đã thông qua Nghị quyết nhất trí giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009) đến ngày 01/7/2012. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 24/7/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Để triển khai thực hiện Nghị định này, 03 Thông tư liên tịch đã được ban hành hướng dẫn chi tiết cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như quy trình thủ tục thi hành án dân sự của Văn phòng Thừa phát lại. Từ những kết quả tích cực đã đạt được nêu trên, theo đề nghị của địa phương, Bộ Tư pháp đã tham mưu để Chính phủ trình Quốc hội mở rộng thí điểm Thừa phát lại thêm ở một số tỉnh, thành khác. Hiện nay, trên cơ sở Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại cũng đã được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tổng cục THADS đã khẩn trương tham mưu cho Bộ trưởng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt “Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”. Trên cơ sở Đề án, Bộ Tư pháp đã thống nhất với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tài chính lựa chọn 13 địa phương mở rộng thực hiện thí điểm.