Thừa phát lại: Hiệu quả từ việc chủ động phối hợp

(PLO) - Thời gian qua, các văn phòng thừa phát lại ở TP.HCM và một số Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự đã chủ động phối hợp, thống nhất với nhau về biểu mẫu tống đạt, về tính hợp lệ của văn bản tống đạt. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong đó, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn thủ tục tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự, tạo ra sự thống nhất về cách hiểu, cách thực hiện tống đạt, nhờ vậy, việc tống đạt được thực hiện tốt.
Nặng con dấu và chữ ký
Thừa phát lại (TPL) Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng TPL Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ: “Thực tế, có trường hợp cùng một tình huống, một nội dung văn bản tống đạt nhưng Tòa này chấp nhận, Tòa khác lại không chấp nhận; thậm chí, trong cùng một Tòa án, thẩm phán này chấp nhận, nhưng thẩm phán khác lại không chấp nhận đã gây ra những khó khăn nhất định…” 
Điều đáng mừng là thời gian qua các Văn phòng TPL và một số Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã chủ động phối hợp, tháo gỡ khó khăn giúp cho việc tống đạt được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, khó khăn mà Văn phòng TPL gặp phải khi tống đạt là thư ký nghiệp vụ không thể tự mình thực hiện việc tống đạt, mà phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của UBND, Công an phường, xã. Nguyên nhân này xuất phát từ việc một số cơ quan liên quan đòi hỏi trong văn bản tống đạt trực tiếp cho đương sự còn phải có cả con dấu của UBND phường hoặc một số UBND phường chỉ xác nhận vào văn bản tống đạt khi có dấu xác nhận của Trưởng Văn phòng TPL trước, một số UBND phường khác thì chỉ xác nhận vào văn bản niêm yết tại phường còn các văn bản niêm yết khác thì không xác nhận.
Theo ông Hùng, thực tiễn tống đạt cho thấy, thủ tục về tống đạt còn nặng nề về hình thức, thủ tục ký tên, đóng dấu, chưa thực sự quan tâm đến nội dung, thậm chí trong một số trường hợp còn có thể bị khai thác để hợp thức hóa cho việc tống đạt gian dối, vì chỉ cần con dấu của UBND. 
Theo quy định, hầu hết các biên bản tống đạt đều phải được UBND xác nhận dẫn đến tình trạng dồn gánh nặng sang cho cán bộ tư pháp. Trong khi đó, pháp luật giao quá nhiều việc cho cán bộ tư pháp, nhưng biên chế chỉ từ 1 đến 2 người. Vì vậy, cán bộ tư pháp không làm hết việc, công tác tống đạt bị ứ đọng như một “nút thắt cổ chai”, dẫn đến tình trạng tống đạt trễ hạn. 
Thông thường, một biên bản tống đạt nếu phải tống đạt thông qua người thứ ba cần có khoảng 5 chữ ký và 2 con dấu, trường hợp cần niêm yết phải có 6 chữ ký và 2 con dấu, nếu phải xác minh nơi cư trú của đương sự trước khi niêm yết phải có đến 8 chữ ký và 3 con dấu mới được xem là hoàn thành để trả lại cho Tòa án và THADS.
Sở Tư pháp có liên đới trách nhiệm?
Trước đây, hoạt động lập vi bằng của văn phòng TPL được thực hiện theo Nghị định 61 không gặp khó do TPL được quyền chủ động thực hiện.Tuy nhiên, khi quy định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013, đã có nhiều nội dung thay đổi liên quan đến hoạt động lập vi bằng. 
Đáng nói là phạm vi thẩm quyền lập vi bằng bị thu hẹp hơn so với Nghị định 61, tức là bổ sung quy định TPL không được lập vi bằng “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp” và thêm quy định Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng của TPL.
Theo phản ánh của nhiều TPL, quy định này đã khiến cho hoạt động lập vi bằng trong nhiều trường hợp trở nên khó khăn và phạm vi lập vi bằng cũng vì thế bị thu hẹp. Quy định này đang tạo những cách hiểu khác nhau do  không có hướng dẫn thế nào là “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp”, dẫn đến áp dụng không thống nhất. 
Một TPL khác chia sẻ, việc Sở Tư pháp có quyền từ chối đăng ký vi bằng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như: Sở Tư pháp có phải liên đới chịu trách nhiệm với TPL về giá trị pháp lý của vi bằng nếu vi bằng đã đăng ký nhưng bị Tòa án bác bỏ vì vi bằng đó lập không đúng quy định; hoặc vi bằng được lập đúng quy định pháp luật, đi đăng ký đúng hạn nhưng Sở Tư pháp từ chối đăng ký gây nên thiệt hại cho người yêu cầu lập vi bằng sẽ được giải quyết như thế nào?... 
Thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng các văn phòng TPL vẫn đang trong tình trạng phải “bù lỗ”. Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động của các văn phòng TPL trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cần có chính sách phát triển phù hợp để khuyến khích, thu hút nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động TPL. Các quy định pháp luật liên quan cũng cần minh bạch và đỡ “bó” hơn cho hoạt động này. 
“Về lâu dài cần quy định riêng về thủ tục tống đạt của TPL theo hướng: Nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của các văn phòng TPL, đồng thời “giải phóng” cán bộ tư pháp và các chủ thể khác như tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực ra khỏi trách nhiệm tống đạt theo hướng: Văn phòng TPL chịu trách nhiệm về tính xác thực của các biên bản mà mình lập, đối với các trường hợp tống đạt trực tiếp, qua người thứ ba (gián tiếp), niêm yết thì chỉ cần xác nhận của TPL là đủ, và TPL chịu trách nhiệm về xác nhận của mình; Công an cấp xã chịu trách nhiệm cung cấp thông tin về việc cư trú của đương sự; UBND cấp xã có trách nhiệm đóng dấu treo vào biên bản niêm yết tại trụ sở UBND để xác nhận việc niêm yết”- TPL Lê Mạnh Hùng kiến nghị.

Đọc thêm