Thừa Thiên Huế: Tỉ lệ hòa giải thành công ở cơ sở đạt trên 80%

(PLVN) -Hội đồng Phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm đưa Luật hòa giải ở cơ sở (HGƠCS) vào thực tiễn.
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và đội ngũ hòa giải viên là lực lượng tuyến đầu thực hiện công tác giải hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân.

Nhận thức được vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác này, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh, trong 10 năm qua, Sở Tư pháp tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu UBND triển khai, thực hiện các quy định của Luật HGƠCS vào thực tiễn, góp phần đưa công tác HGƠCS ngày càng đi vào nề nếp và thực sự là phương pháp giải quyết tranh chấp trong cộng đồng nhân dân hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thừa Thiên Huế cho biết, việc triển khai thực hiện Luật HGƠCS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở, hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Quang cảnh hội thảo

Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên luôn được chú trọng, thực hiện thường xuyên. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

So với trước khi Luật HGƠCS được ban hành, đã có những thay đổi cơ bản trong công tác này. Các cơ quan, địa phương nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của mình trong công tác hòa giải ở cơ sở, chủ động trong việc ban hành chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện. Chế độ, chính sách liên quan đến công tác này ngày càng được quan tâm, cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh. Nguồn lực (nhân lực, vật lực và kinh phí) được đầu tư năm sau cao hơn năm trước; các cơ quan, địa phương quan tâm đúng mức về chế độ, chính sách đối với người làm công tác hòa giải ở cơ sở.

Đến nay đã xây dựng và phát triển 100% tổ hòa giải tại thôn/tổ dân phố trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế theo đảm bảo về số lượng, chất lượng, tỉ lệ hòa giải viên là nữ. Các Tổ HGƠCS được chú trọng củng cố, kiện toàn theo quy định. Toàn tỉnh hiện có 1.106 tổ hòa giải, với 6.598 hòa giải viên; trong đó, hòa giải viên nữ chiếm 24, số hòa giải viên đã được tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chiếm 75%.

Tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải trong 10 năm trên địa bàn tỉnh là 11.176 vụ, việc; trong đó, có 8.988 vụ việc hòa giải thành công (chiếm 80,4%). Việc hòa giải chủ yếu là tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, tập trung vào các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, tranh chấp đất đai…

Dịp này đã có 15 tập thể và 19 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Việc triển khai thực hiện Luật HGƠCS đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động HGƠCS đi vào nề nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả. Qua đó, tạo bước chuyển biến trong công tác HGƠCS, chất lượng hòa giải được nâng lên, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nêu trên, tuy nhiên sau quá trình 10 năm đưa Luật HGƠCS vào thực tiễn cũng đã phát sinh một số tồn tại và hạn chế như: Một số quy định liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở chưa đi vào thực tế hoặc còn vướng mắc, khó khăn về cơ chế thực hiện; Ở một số địa phương, sự quan tâm đối với việc công tác hòa giải ở cơ sở chưa cao; phối hợp giữa Tư pháp, Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể trong công tác hòa giải có nơi còn thiếu chặt chẽ; Do yêu cầu phát triển của xã hội ngày càng tăng, các loại vụ việc tranh chấp ngày càng đa dạng và phức tạp nên hoạt động hòa giải ở cơ sở gặp nhiều khó khăn; Một số hòa giải viên còn ngại va chạm nên chưa nhiệt tình trong hoạt động hòa giải...

Thời gian tới, các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác HGƠCS nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội. Nhân rộng một số mô hình và cách làm hay, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Luật để các địa phương tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác HGƠCS trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên.

Đọc thêm