Thừa Thiên Huế: Tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong trong việc ban hành và triển khai mạnh mẽ Chương trình chuyển đổi số (CĐS). Thời gian qua, tỉnh đã tập trung cho công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra thực tế công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra thực tế công tác giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 34 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính và 02 Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh. 100% thủ tục hành chính sau khi được UBND tỉnh công bố ban hành đã được các sở, ban, ngành cấp tỉnh cập nhật vào Hệ thống thông tin thủ tục hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế theo đúng quy định và công khai trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.

Ngoài ra, tỉnh thường xuyên rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 686 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 02 đơn vị so với năm 2023…

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, tỉnh đang tập trung phát triển chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả CĐS để nâng cao năng lực bộ máy hành chính nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về lĩnh vực kinh tế số, với việc tích hợp thành công ví điện tử, Hue-S đã góp phần thúc đẩy kinh tế số thông qua việc cung cấp giải pháp thanh toán liền mạch. Đến nay đã có trên 75.099 tài khoản ví điện tử đã được đăng ký trên ứng dụng Hue-S và 694 điểm chấp nhận thanh toán qua Hue-S trên địa bàn tỉnh. Người dân có thể theo dõi được tất cả các hóa đơn như dịch vụ công, tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường, học phí,… trên Hue-S, thanh toán dịch vụ chỉ cần 1 lần chạm mà không phải cài đặt, mở thêm bất cứ ứng dụng nào khác.

Về lĩnh vực chính quyền số, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình, một phần và thực hiện một cửa liên thông trên môi trường mạng. 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình một cửa điện tử hiện đại. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trong quý I/2024 đạt 57,38%, tăng 11,68% so với năm 2023, dịch vụ công trực tuyến đã chuyển dần từ cán bộ hướng dẫn làm thay sang công dân tự làm.

Với những nỗ lực trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh đã đạt nhiều kết quả nhất định, năm 2023, Thừa Thiên Huế dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 5 bậc so với năm 2022; đây là kết quả thể hiện được sự hài lòng của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) của tỉnh xếp thứ 17, tăng 02 bậc so với năm 2022. Chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 8 toàn quốc. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thứ 14/63 tỉnh/thành cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế được vinh danh Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024.

Thừa Thiên Huế đang đặt mục tiêu phấn đấu đến đến năm 2025 sẽ thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số quốc gia trên 3 trụ cột: chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.

Đọc thêm