Ưu tiên khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 5 đã làm 6 người chết và 112 người bị thương. Bên cạnh đó, cơn bão này cũng làm sập đổ hoàn toàn 13 căn nhà; 22.716 căn bị tốc mái, hư hỏng.
Trong đó Thừa Thiên - Huế là địa phương thiệt hại nặng nhất. Theo báo cáo của UBND tỉnh này; mưa bão khiến 4 người chết, 92 người bị thương phải đến các Trạm y tế, các Trung tâm y tế cấp huyện và Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 10 nhà bị sập; có 21.283 nhà tốc mái; 20 trường học bị tốc mái phòng học, khu hiệu bộ, sập hàng rào, tốc mái nhà xe, hư hỏng thiết bị dạy học. Về nông, lâm nghiệp, diện tích rau màu bị thiệt hại 439ha; diện tích rừng bị gãy đổ 1.130 ha; cao su 863,5ha. Có 38,8 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng. Cây ăn quả bị thiệt hại 300ha. Theo thống kê ban đầu tại TP. Huế có khoảng 15.000 cây xanh bị gãy đổ…
Tổng giá trị thiệt hại do cơn bão số 5 vừa qua ước tính khoảng 505 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở 213 tỷ đồng, giáo dục 2 tỷ đồng, nông - lâm nghiệp 177,6 tỷ đồng, thủy lợi 63 tỷ đồng, giao thông 11,8 tỷ đồng, thông tin liên lạc 19 tỷ đồng, điện lực 17,7 tỷ đồng.
Ngay sau khi cơn bão số 5 đổ bộ; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các sở, ban ngành đã trực tiếp về cơ sở chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão. Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ 150 tỷ khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân; hỗ trợ xử lý kè chống sạt lở bờ biển 6,7km, trong đó ưu tiên 2,7km vùng xung yếu.
Không để xảy ra trục lợi chính sách
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến toàn tỉnh về khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra vào ngày hôm qua (21/9); ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, nhiều năm qua tỉnh ta không hứng chịu những cơn bão lớn; từ công tác chuẩn bị và ứng phó với bão số 5 lần này để chính quyền phải nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về công tác dự báo, cảnh báo, công tác ứng phó với bão, từ đó khắc phục những tồn tại, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi mưa bão xảy ra.
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường phương tiện, lực lượng nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Làm tốt công tác phối hợp, tiếp tục rà soát thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ chi tiết trên từng lĩnh vực cụ thể, trong đó ưu tiên hỗ trợ những hộ nghèo, hộ yếu thế bị ảnh hưởng do bão, lĩnh vực nào cấp bách thì cần phải hỗ trợ ngay để người dân sớm ổn định cuộc sống. Huy động toàn lực lượng, hệ thống xã hội, sức dân để khắc phục hậu quả. Tổng vệ sinh môi trường toàn tỉnh, khôi phục lại hệ thống cây xanh.
Ông Thọ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền địa phương tập trung khắc phục trong đó ưu tiên phục hồi đời sống người dân, học sinh đến trường, điện chiếu sáng và sản xuất kinh doanh. Trước mắt, sử dụng nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ cho người dân, khôi phục hạ tầng dân sinh, nhà dân. Các ngành liên quan tiến hành tổng hợp, lên phương án sửa chữa, xây mới các công trình xây dựng cơ bản bị hư hỏng.
“Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình triển khai hỗ trợ phải tiến hành công khai, minh bạch, không để xảy ra trục lợi chính sách trong quá trình hỗ trợ người dân”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thọ cũng đề nghị tập trung khắc phục thiệt hại của bão, các địa phương vẫn phải tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19, không được chủ quan lơ là. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đôn đốc, rà soát, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo mốc kế hoạch đã đăng ký với Chính phủ. Kiên quyết điều chuyển vốn đối với các đơn vị không giải ngân được và sẽ đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 đối với các đơn vị này.