Thúc đẩy dự luật cho phép phóng viên bảo vệ nguồn tin

Trước những lời chỉ trích về việc Bộ Tư pháp Mỹ nghe lén cuộc gọi của các phóng viên hãng tin AP để điều tra về một vụ rò rỉ thông tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ đang xem xét lại một đạo luật có thể bảo vệ tốt hơn cho các phóng viên.

Trước những lời chỉ trích về việc Bộ Tư pháp Mỹ nghe lén cuộc gọi của các phóng viên hãng tin AP để điều tra về một vụ rò rỉ thông tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ đang xem xét lại một đạo luật có thể bảo vệ tốt hơn cho các phóng viên.

Một quan chức Nhà Trắng cho hay, người phụ trách liên lạc của Thượng viện Ed Pagano sáng 15/5 gọi điện tới văn phòng của Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Charles E. Schumer tại New York và đề nghị ông này giới thiệu lại dự luật Tự do dòng chảy thông tin được ông giới thiệu vào năm 2009.

Bộ trưởng Tư pháp Holder trình bày trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện. Ảnh: Internet
Bộ trưởng Tư pháp Holder trình bày trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện.

Dự luật này sẽ đưa đến một đạo luật bảo vệ truyền thông liên bang, nhằm bảo vệ các nhà báo khỏi việc bị phạt vì từ chối tiết lộ bí mật về danh tính của các nguồn tin. Và tạo điều kiện cho các phóng viên được yêu cầu một thẩm phán liên bang phải hủy bỏ trát đòi cung cấp thông tin về các cuộc gọi của họ.

Bản dự luật Tự do dòng chảy thông tin mà chính quyền Obama đang tìm cách làm sống lại đã được Schumer giới thiệu và được Ủy ban Tư pháp của Thượng viện thông qua với tỉ lệ 15 phiếu thuận/4 phiếu chống trong một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 12/2009.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi một cuộc bỏ phiếu tiếp theo vào năm 2010, khi xảy ra sự việc trang web WikiLeaks công bố hàng loạt các dữ liệu về các tài liệu bí mật của chính phủ, khiến cho đạo luật này đã không được đưa ra bỏ phiếu tiếp.

“Đạo luật này sẽ cân bằng giữa các nhu cầu về an ninh quốc gia và các quyền của công chúng về tự do thông tin” - ông Schumer nói trong một tuyên bố xác nhận rằng ông sẽ giới thiệu lại dự luật này.

Theo dự luật Tự do dòng chảy thông tin, các hãng thông tấn sẽ được thông báo trước về việc các nhà lập pháp muốn kiểm tra dữ liệu điện thoại của họ, từ đó cho phép họ có quyền yêu cầu tòa bác bỏ trát đòi dữ liệu.

Cũng theo dự luật, các nhà báo sẽ chỉ phải tiết lộ các nguồn tin với điều kiện chính phủ phải chứng minh được việc tiết lộ danh tính nguồn tin là cần thiết để ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ tác động của hành vi khủng bố hoặc ngăn ngừa tổn hại lớn cho an ninh quốc gia.

Ngoài ra, Dự luật bảo vệ bí mật dữ liệu thư điện tử và điện thoại của phóng viên. Một đạo luật tương tự như vậy đều đã được ban hành ở các bang nhưng ở cấp liên bang thì chưa.

Cũng trong ngày 15/5, Bộ trưởng tư pháp Eric H. Holder đã phải ra trình diện trước Ủy ban Tư pháp của Hạ viện để điều trần về việc bộ này liên tục lấy dữ liệu cuộc gọi từ các phóng viên của hãng tin AP.

Tại buổi điều trần này, các nhà làm luật từ cả 2 đảng đều đã chất vấn ông Holder về việc tại sao các nhà điều tra liên bang hồi đầu năm lại bí mật sử dụng một trát của tòa án để có được các dữ liệu, gồm cả các cuộc gọi đến và đi – của một số văn phòng và phóng viên AP mà không hề thông báo trước.

“Những yêu cầu này dường như đã có sự mâu thuẫn với các phạm vi được bảo vệ theo Tu chính án số 1. Bất kỳ sự giảm bớt nào của Tu chính án số 1 về quyền tự do báo chí đều là rất đáng quan ngại”, chủ tịch Ủy ban tư pháp của Hạ viện Robert W. Goodlatte nói.

Minh Ngọc (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm