Thúc đẩy Mobile – Money: Nhà mạng muốn kết nối vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau hơn 6 tháng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile - Money, đã có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng, trong đó 60% đến từ khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Để thúc đẩy hình thức thanh toán không có tài khoản ngân hàng này, các nhà mạng mong muốn được kết nối vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).
Dịch vụ Mobile - Money qua thời gian thí điểm cho thấy hiệu quả nhất định.
Dịch vụ Mobile - Money qua thời gian thí điểm cho thấy hiệu quả nhất định.

Đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân

Số liệu vừa được Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Cùng với con số hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vu, số liệu thống kê còn thay cho thấy, có hơn 3.000 điểm kinh doanh được thiết lập, trong đó: số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 30% (khoảng gần 900 điểm). Tính đến cuối tháng 3/2022, đã thiết lập được hơn 12.800 đơn vị chấp nhận thanh toán, trong đó chủ yếu là các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục…, tổng số lượng giao dịch đạt hơn 8,5 triệu với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán đánh giá, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile - Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng. Dịch vụ đã và đang đi vào cuộc sống.

Là một trong ba DN triển khai thí điểm Mobile - Money, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel khẳng định, đây là một trong những bước đi quan trọng nhất trong “hành trình vạn dặm”, đóng vai trò kéo gần khoảng cách giữa các đối tượng trong xã hội, nối liền và thúc đẩy dòng chảy giao thương trên cả nước.

Sau 4 tháng chính thức triển khai nhà mạng này đã có tới 70% thuê bao kích hoạt tài khoản Tiền di động trên Viettel - Money đều ở các vùng sâu, vùng xa; trung bình mỗi thuê bao phát sinh tới 10 giao dịch chuyển tiền, mua bán trực tuyến.

Khẳng định Mobile - Money có rất nhiều tiện ích, ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT (VinaPhone) cho rằng, để người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa dễ sử dụng thì vấn đề đầu tiên là cần phải đơn giản trong sử dụng.

Số liệu từ VNPT tính đến hết tháng 3/2022 cho thấy, tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ nhưng không thành công do không đáp ứng các yêu cầu tại VNPT-Media là 156.351 người, chiếm 30% tổng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ.

Tiếp tục gỡ khó

Để tiếp tục phát triển dịch vụ Mobile - Money trong thời gian tới, đại diện VinaPhone kiến nghị, xem xét cho phép thuê bao di động không cần thực hiện định danh lại, đồng thời không cần đáp ứng yêu cầu đã sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile -Money (do nhà mạng đã thực hiện định danh, xác thực theo các quy định về đăng ký thuê bao di động). Đồng thời, cho phép khách hàng sử dụng Mobile -Money thực hiện thí điểm có thể chuyển/nhận tiền với nhau. “Nếu như nhà mạng tiếp cận được nguồn CSDLQGVDC thì khách hàng không cần nhiều bước phức tạp mà có thể sử dụng Mobile-Money ngay” - ông Tấn đề xuất.

Đồng tình với đề xuất này, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone cho rằng, việc cho phép các nhà mạng kết nối vào CSDLQGVDC để việc đăng ký không sai so với Chứng minh thư nhân dân cũ. Bà Tú đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có những công cụ hỗ trợ nhà mạng tuyên truyền rộng rãi, cũng như có những chính sách mở tài khoản Mobile.

Đại diện Viettel, ông Trương Quang Việt đề xuất đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động. Để tiền di động vừa là phương thức vừa là động lực cải thiện kinh tế người dân, kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với đời sống.

Trước đề xuất về việc cho phép các nhà mạng kết nối vào CSDLQGVDC, ông Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD) (Bộ Công an) cho biết, Bộ đã chủ trì làm việc với các nhà mạng xây dựng quy trình, quy chế phối hợp để triển khai thực hiện kết nối làm sạch thuê bao di động, giải quyết tình trạng sim rác trên nền tảng dữ liệu dân cư, cấp tài khoản Mobile - Money, cấp sim chính chủ gắn với việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Đại diện Bộ Công an cũng cho biết, Bộ đang triển khai thí điểm việc xác thực thẻ CCCD thật/giả, xác thực thông tin cơ bản, thông tin sinh trắc với dữ liệu được lưu trữ trong chip của thẻ CCCD nhằm tránh các rủi ro, gian lận trong hoạt động tài chính, ngân hàng, viễn thông, công chứng và các giao dịch dân sự, thủ tục khác. “Các nhà cung cấp dịch vụ Mobile - Money cần thiết tích hợp giải pháp này nhằm tránh các rủi ro trong hoạt động xác minh tài khoản qua ứng dụng trực tuyến và các quầy giao dịch, điểm tiếp nhận trực tiếp” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Ghi nhận những vướng mắc của DN, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Lê Anh Dũng cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm Mobile - Money; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai của DN. Đồng thời khẳng định, nguyên tắc “không thỏa hiệp” của NHNN là phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là vấn đề bảo mật; phải bảo vệ an toàn tài chính (eKYC, phòng chống rửa tiền…) “Mobile - Money hoạt động như dịch vụ tài chính thì phải tuân thủ các nguyên tắc trên” - Đại diện NHNN nhấn mạnh.

Đọc thêm