Thúc đẩy phát triển KT-XH: Tập trung tháo gỡ 'điểm nghẽn' về giải ngân vốn đầu tư công

(PLVN) -  Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022; từ đó rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.

Quyết liệt xây dựng thể chế

Phát biểu thảo luận, các đại biểu Quốc hội (QH) đều nhất trí cho rằng, trong thời gian qua, kinh tế - xã hội (KT-XH) nước ta đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: GDP chín tháng của năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, quý III tăng 13,67%: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI chín tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Năm 2022 nước ta dự kiến hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về KT-XH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ đạt khoảng 8%, trong khi kế hoạch đề ra là 6% - 6,5%.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá, trước ảnh hưởng của tình hình thế giới, Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những tồn tại nhất định. Vì vậy, Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới; đảm bảo được thể chế minh bạch, hiệu quả, có cơ chế kiểm tra, giám sát để người dân và doanh nghiệp yên tâm giao dịch mua bán trái phiếu trên thị trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2022 chúng ta đã rất nỗ lực và thực hiện rất thành công ba đột phá chiến lược. Trong ba đột phá chiến lược này, chúng ta tập trung ưu tiên rất rõ, rất cụ thể, rất quyết liệt cho việc xây dựng hệ thống thể chế. Theo đó, QH đã rất nỗ lực, tập trung cao cho việc xây dựng các văn bản pháp luật, có những hội nghị chuyên đề dành riêng cho việc xây dựng thể chế. Chính phủ cũng rất nỗ lực, quyết tâm để tập trung cho việc xây dựng thể chế, đặc biệt là hệ thống nghị định. Chỉ riêng chín tháng đầu năm, chúng ta đã hoàn thành được 75 nghị định và rất nhiều nghị quyết, thông tư của các bộ, ngành để cố gắng tháo gỡ khó khăn, rào cản, phục vụ cho thúc đẩy phát triển và khôi phục nền kinh tế.

Chỉ ra một số tồn tại, Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà cho rằng vẫn còn “điểm nghẽn” về giải ngân vốn đầu tư công khi chín tháng mới đạt trên 41,%. Đây là “điểm nghẽn” không những cho sự thúc đẩy phát triển trước mắt, lâu dài mà cũng là “điểm nghẽn” trong tăng trưởng kinh tế…

Đồng quan điểm, Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) nhấn mạnh, dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhất là với các công trình quốc gia nhưng nhiều dự án không hoàn thành đúng tiến độ.

“Việc chậm trễ giải ngân nguồn vốn vay như vậy là không hợp lý. Năm nào chúng ta cũng nói đầu tư công là “điểm nghẽn” nhưng năm nay nghẽn chỗ nào, nghẽn ở đâu, nghẽn ở Trung ương, nghẽn ở địa phương, nghẽn ở những công trình, dự án nào? Chính phủ chỉ đạo như thế nào trong thời gian tới? Đề nghị Chính phủ báo cáo nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”, Đại biểu đặt vấn đề.

Sớm có giải pháp giải quyết tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc

Tại phiên họp, một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) xin thôi việc, nghỉ việc.

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) cho biết, riêng với tỉnh Gia Lai, đến tháng 6/2022, đã có gần 400 CB,CC,VC xin nghỉ việc. Trong đó, ngành Giáo dục có 125 VC và ngành Y tế có 115 VC xin nghỉ việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ do chính sách tiền lương, phụ cấp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của CC,VC mà còn là do cơ hội thăng tiến đối với họ hầu như không có, môi trường làm việc không phát huy được năng lực của người có trình độ cao và áp lực công việc nặng nề…

Nêu thực trạng này, Đại biểu Siu Hương đề nghị các địa phương, bộ, ngành có nhiều CC,VC xem xét, đánh giá lại các nguyên nhân để kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục.

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) phát biểu.

Đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai) phát biểu.

Chung băn khoăn, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, trong một thời gian ngắn, việc CC,VC nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại là sự bất thường. Đề nghị Chính phủ, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục làm rõ những nguyên nhân của tình trạng này vì khi đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp đúng, trúng và căn cơ, chiến lược để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong hai năm rưỡi qua, số người xin thôi việc trong lĩnh vực giáo dục có hơn 16.400 người, còn lĩnh vực y tế có gần 12.200 người, chủ yếu ở địa bàn có điều kiện KT-XH phát triển cũng như có số lượng các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn (như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ...)

Đánh giá về nguyên nhân, bà Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thứ nhất là do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch COVID-19. Lực lượng CC,VC, nhất là VC, chịu áp lực rất lớn về công việc. Đặc biệt là với các nhân viên y tế, bối cảnh làm việc cực kỳ nguy hiểm, vô cùng rủi ro trong khi đời sống, chế độ hỗ trợ chưa đáp ứng được mong muốn. Còn với nhân viên của ngành Giáo dục, trước đây, họ lên lớp giảng dạy theo phương thức truyền thống nhưng trong đại dịch COVID-19 đã thay đổi rất nhiều cách thức, phương thức làm việc nên áp lực rất nặng nề.

Sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các dịch vụ liên quan đến giáo dục và y tế phát triển rất tốt, thu hút một lượng lớn người lao động tham gia khu vực tư bởi họ có chế độ ưu đãi tốt hơn so với khu vực công.

Về giải pháp, theo Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, đầu tiên, cần phải tập trung nâng cao đời sống của CB,CC,VC, trong đó có việc điều chỉnh mức lương cơ sở để giảm bớt khó khăn cho đội ngũ CB,CC,VC. Thứ hai, cần xem xét lại tổng thể, toàn diện, khách quan, công tâm về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý CB,CC,VC để có ứng xử, thay đổi một cách toàn diện, đặc biệt là tuyển dụng đối với hệ thống VC đang thực hiện các dịch vụ công ích trong điều kiện cơ chế thị trường.

Giải pháp thứ ba: Cần xây dựng môi trường, văn hóa làm việc để CB,CC,VC cảm thấy yên tâm làm việc trong môi trường chính trị, văn hóa, xã hội thật tốt.

Đọc thêm