Thúc đẩy sử dụng thẻ Căn cước công dân đa mục đích

(PLVN) - Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắp chíp điện tử trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn bản của Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sử dụng thẻ Căn cước công dân có gắn chíp điện tử trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của bộ, ngành, địa phương mình  vào chíp điện tử trên thẻ Căn cước công dân, thúc đẩy việc sử dụng thẻ Căn cước công dân đa mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.

Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ Căn cước công dân trong các lĩnh vực công tác; xây dựng các ứng dụng nền tảng để đưa vào chíp trước khi cấp Căn cước công dân cho công dân. 

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân vào đầu tháng 9/2020, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. 

Theo đó, dự án Căn cước công dân sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng với dự án Dữ liệu quốc gia về dân cư với mục tiêu dự kiến sẽ bấm nút vận hành hai hệ thống này cùng một thời điểm trong đầu năm 2021.

Cùng thời điểm, Bộ Công an cũng đang dự thảo Thông tư quy định về mẫu Căn cước công dân. Dự thảo quy định, thẻ Căn cước công dân hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6 mm, chiều rộng 53,98 mm, độ dày 0,76 mm. 

Mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin sau:  Bên trái, từ trên xuống: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 12mm; ảnh của người được cấp thẻ Căn cước công dân cỡ 20 x 30mm; có giá trị đến/date of expiry;  Bên phải, từ trên xuống: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM/SOCIALIST REPULIC OF VIET NAM; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc/Independence - Freedom - Happiness; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN/Identity Card”; biểu tượng của thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; số/no; họ và tên/full name; ngày sinh/date of birth; giới tính/sex; quốc tịch/nationality; quê quán/place of birth; nơi thường trú/place of residence.

Mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các thông tin như: Bên trái, từ trên xuống: Đặc điểm nhân dạng/personnal identification; ngày, tháng, năm cấp thẻ Căn cước công dân/date, month, year; chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ/director general of police department for adminstrative managerment of social order; chữ ký, họ và tên của người có thẩm quyền cấp thẻ; dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ Căn cước công dân; chíp điện tử.  Bên phải, từ trên xuống: có 2 ô: vân tay ngón trỏ trái/left index finger và vân tay ngón trỏ phải/right index finger của người được cấp thẻ căn cước công dân. Dòng mã ICAO, mã QR code.

Được biết, dự án Căn cước công dân ước tính 2.800 tỉ đồng, trong đó việc gắn chip điện tử là phần nhỏ trong tổng thể. Khi thực hiện dự án, Bộ Công an sẽ phải thu thập các trường thông tin liên quan đến công dân để quản lý nhân, hộ khẩu; bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học.  Bộ Công an ước tính giá thành thẻ chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đến 20.000 đồng. 

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, do hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân thực hiện song hành sẽ tiết kiệm nhiều cho ngân sách vì nhờ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền... Dự kiến khi dự án được thông qua, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ cấp thẻ gắn chip điện tử đồng bộ và đến tháng 7/2021 cả nước sẽ cấp khoảng 50 triệu thẻ.

Đọc thêm