Thực hiện an toàn - vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo số liệu thống kê từ năm 2005 đến nay, Hải Phòng xảy ra 67 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 70 người thiệt mạng và là một trong 10 địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người trong cả nước...

Theo số liệu thống kê từ năm 2005 đến nay, Hải Phòng xảy ra 67 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm 70 người thiệt mạng và là một trong 10 địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người trong cả nước. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an toàn-vệ sinh lao động-phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.

Công nhân công ty CNTT Nam Triệu thi công lắp ráp các tổng đoạn tàu thủy.

Ảnh: Duy Thính

 

Nỗ lực của thành phố

 

Ngoài an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, thành phố đang đối mặt với những vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm về an toàn, sức khỏe và ô nhiễm môi trường ở một số ngành nghề sản xuất kinh doanh mang tính đặc thù như sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa và đóng mới tàu, một số làng nghề…Trước những vấn đề này, UBND thành phố ban hành các chỉ thị về việc tăng cường thực hiện công tác an toàn-vệ sinh lao động, đẩy mạnh triển khai Luật Phòng cháy chữa cháy, an toàn hóa chất tại các đơn vị sản xuất kinh doanh; tổ chức tuần lễ quốc gia về an toàn-vệ sinh lao động-phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) và chương trình quốc gia về bảo hộ, an toàn lao động.

 

Năm 2009, 78% số doanh nghiệp thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; 90% số người lao động trong điều kiện môi trường nặng nhọc, độc hại được khám sức khỏe định kỳ. Trong đó 35% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp….

 

Theo chức năng của từng ban, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ATVSLĐ- PCCN, hoạt động thanh tra, kiểm tra về công tác này được thực hiện nghiêm túc. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động, Công an thành phố phối hợp thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ- PCCN lồng ghép với nội dung thanh tra và phát phiếu tự kiểm tra Bộ luật Lao động tại gần 300 đơn vị. Để có cơ sở đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC tại các khu công nghiệp, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở trọng điểm trên địa bàn thành phố, Công an thành phố  lựa chọn 64 cơ sở tiêu biểu để điều tra, khảo sát về thực hiện điều kiện an toàn PCCC, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở. Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra về PCCC theo chuyên đề trong các lĩnh vực tồn chứa, kinh doanh xăng dầu, khí đốt hoá lỏng, các cảng biển, cơ sở giày da, may mặc, mút xốp… tại 4734 lượt cơ sở; chỉ đạo thành lập 8 cụm cơ quan doanh nghiệp an toàn PCCC, xây dựng 34 đơn vị điển hình tiên tiến về công tác PCCC.

 

Và những vấn đề đặt ra

 

Những chuyển biến tích cực trong việc cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm bảo vệ môi trường góp phần đáng kể trong phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra chung quanh công tác ATVSLĐ- PCCN. Công tác tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức về lĩnh vực này chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn thuộc ngành đóng tàu, sản xuất xi măng mà chưa quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân có nhiều yếu tố gây mất an toàn lao động. Việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ-PCCN chưa nghiêm nên không phát huy được tính răn đe, giáo dục chung. Hàng năm chỉ có khoảng 400/14.000 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố được thanh tra, kiểm tra, do đó nhiều vi phạm quy định về ATVSLĐ-PCCN chưa được phát hiện kịp thời, nhất là trong các doanh nghiệp tư nhân, làng nghề. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra về ATVSLĐ-PCCN còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng nên chưa phát huy được năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

 

Theo Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đặng Văn Tâng, giải pháp tăng cường, củng cố công tác ATVSLĐ-PCCN được tập trung vào việc chỉ đạo các doanh nghiệp cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bố trí đủ cán bộ làm công tác kỹ thuật an toàn, phân cấp trách nhiệm từ lãnh đạo  đến người lao động; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Bộ phận làm công tác bảo hộ lao động tại các doanh nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất, nhắc nhở người lao động chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ-PCCN. Doanh nghiệp chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ môi trường.

 

Qua thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, PCCN phát hiện nhiều tồn tại, đưa ra 597 kiến nghị yêu cầu khắc phục như thực hiện chính sách bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, khảo sát đo đạc yếu tố môi trường…; xử lý 120 đơn vị có hành vi vi phạm với số tiền gần 200 triệu đồng.

 

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, tư vấn, thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc ở các doanh nghiệp cần được tăng cường, nhất là những doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ, xử phạt nghiêm những doanh nghiệp vi phạm để nâng cao hiệu lực pháp luật.

 

Thanh Thủy

Đọc thêm