Thực hiện chế độ tự quản về luật sư và hành nghề luật sư của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư (tiếp)

  Tính tự quản trong công tác đào tạo luật sư được chúng tôi tiếp cận theo hai nội dung đó là đào tạo nghề luật sư và bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư.
2 - Tính tự quản trong công tác đào tạo luật sư.
Tính tự quản trong công tác đào tạo luật sư được chúng tôi tiếp cận theo hai nội dung đó là đào tạo nghề luật sư và bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư.
- Về đào tạo nghề luật sư 
Khoản 3 điều 65 LLS 2006 đã khẳng định nhiệm vụ đào tạo Luật sư được giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam " Phối hợp với Bộ Tư pháp đào tạo nghề luật sư " nhưng quy định này dừng lại ở phạm vi là phối hợp với Bộ Tư pháp và trên thực tế luật sư đã tham gia hoạt động đào tạo nghề luật sư với Học viện Tư pháp đối với nhóm nội dung kỹ năng thực tiễn còn nhóm lý luận kỹ năng thì do Thầy cô giáo của Học viện Tư pháp đảm nhiệm.
Nhằm nâng cao chất lượng luật sư thực hiện chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số Số: 1072/QĐ-TTg ngày 05/07/2011. Trong đó Phần III, điểm 3, mục b " Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ luật sư; đa dạng hóa công tác đào tạo nghề luật sư theo Chương trình chuẩn quốc gia về đào tạo nghề luật sư; thành lập cơ sở đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; mở rộng sự tham gia của các Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trong việc đào tạo nghề luật sư, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong đào tạo nghề luật sư; thực hiện đào tạo chuyên sâu và đào tạo liên thông; tiếp tục thực hiện có hiệu quảliên kết với quốc tế và khu vực trong việc đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp do tổ chức xã hội - nghềnghiệp luật sư đảm nhận "
Song song với quan điểm xã hội hóa là cần thiết trên mọi lĩnh vực nhưng một lĩnh vực chỉ nên xã hội hóa khi bản thân cơ quan cung cấp dịch vụ công cho nó hoạt động quá tải, mục đích xã hội hóa nhằm làm giảm việc phình to ra bộ máy quản lý nhà nước. Riêng trong lĩnh vực đào tạo luật sư thì Học viện Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam là có thể quán xuyến việc đào tạo mà không cần mở rộng, vấn đề được đặt ra hiện nay Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để mở cơ sở đào tạo nghề luật sư. 
Xuất phát từ trách nhiệm tự quản trong đào tạo luật sư, định hướng của chính phủ giao trách nhiệm đào tạo luật sư, yêu cầu xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề luật sư và hoàn thành chỉ tiêu phát triển luật sư đến năm 2020 là 18.000 đến 20.000 luật sư theo chúng tôi Luật luật sư cần quy định nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư của Liên đoàn luật sư nhằm tạo cơ sở pháp lý để Liên đoàn luật sư đẩy nhanh tiến độ thành lập Trường Luật sư cùng chia sẽ hoạt động đào tạo nghề luật sư với Học viện Tư pháp. 
Từ nội dung phân tích trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi và bổ sung nội dung trong Luật luật sư liên quan đến hoạt động đào tạo như sau :
Điều 65. Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam  
Tổ chức đào tạo nghề luật sư 
- Về bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư.
Khoản 4 điều 65 LLS 2006 đã khẳng định nhiệm vụ bồi dưỡng cho Luật sư là nhiệm vụ thường xuyên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam " Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho luật sư "
Tính tự quản thể hiện thông qua trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư đối với hoạt động bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho luật sư nhằm đảm bảo việc cập nhật tính hiệu lực của các văn bản pháp luật, kinh nghiệm kỹ năng phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp đã được Luật luật sư quy định. Với sự phân công trách nhiệm quản lý nghề nghiệp và tự quản trong nội bộ tổ chức luật sư giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư có trách nhiệm đối với Luật sư trong phạm vi gần nhất và nặng tính kỹ thuật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm với Luật sư và Đoàn Luật sư ở phạm vi rộng hơn và mang tính bao quát. Tuy nhiên trách nhiệm này vẫn phải có tính đan xen để đảm bảo sự sâu sát nhất trong khâu quản lý.
Việc sửa đổi bổ sung, chúng tôi thống nhất với nội dung tiếp thu và đề xuất của Bộ Tư pháp tại dự thảo (4) ngày 08/02/2012 với những nội dung sau :
Điều 61 : Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Luật sư.
Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề Luật sư cho Luật sư thành viên
Điều 65: Nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Tổ chức bồi dưỡng bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, kỹ năng quản trị, điều hành tổ chức hành nghề luật sư cho luật sư,
Tính tự quản trong đào tạo có vai trò rất quan trọng trong việc tác động đến việc nâng cao chất lượng luật sư nên các quy định cần phải nâng lên thành luật một cách rỏ ràng để giao trách nhiệm và ràng buộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn luật sư phải tiến hành thực hiện hoạt động đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên cho luật sư theo ý nghĩa là một “nghĩa vụ” phải thực hiện đối với luật sư.
3 - Tính tự quản trong hoạt động giám sát kiểm tra hoạt động hành nghề của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư 
Sự tác động hoạt động tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư đến hoạt động hành nghề luật sư của luật sư thành viên là cần thiết và phải được thực hiện thường xuyên nhằm nhắc nhở luật sư thành viên cần phải tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động hành nghề, nhằm giữ gỉn đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư nhưng về pháp lý luật sư thành viên hoạt động hành nghề thông qua tổ chức hành nghề do đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư không thể tham gia sự tác động này khi pháp luật chưa quy định (đây cũng là lý do cần thiết để công nhận tổ chức hành nghề luật sư là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt nam).
Song song để đảm bảo việc kết hợp hoạt động quản lý nhà nước với vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư thì khi kiểm tra hoạt động nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư nên có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư thông qua đó tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư mới có thể kiểm tra giám sát hoạt động của luật sư thành viên và thông qua sự kết hợp này tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư nắm được mức độ tự giác tuân thủ pháp luật của luật sư thành viên trong quá trình hành nghề qua đó có thể tác động góp ý cho các luật sư thành viên của mình tuân thủ ngày càng tốt hơn các quy định của pháp luật.
Theo chúng tôi sửa đổi Luật sư lần này cần quy định những nội dung sau :
Điều 84. Thực hiện tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư 
"Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp; Đoàn Luật sư phối hợp với sở Tư pháp của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra giám sát hoạt động hành nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư"
4 - Tính tự quản trong công tác xây dựng tổ chức - nhân sự của các Đoàn Luật sư .
Ngày 13/08/2010 Ban Bí Thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định số 323/QĐ-TƯ về việc thành lập Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm thiết lập cơ quan lãnh đạo chấp hành đường lối,chính sách của đảng và chấp hành pháp luật nhà nước trong hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, sự kiện này đã xác lập tính trách nhiệm đối với việc xây dựng tổ chức luật sư trong cả nước; tính độc lập trong công tác xây dựng nhân sự của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư trong cả nước.
Căn cứ điều 42 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng Quy chế làm việc trong đó Điều 2 quy định như sau : Đảng đoàn lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cụ thể là : a)-Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng bố trí cán bộ lãnh đạo là ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn. b)-Phối hợp với lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy thành phố trực thuộc trung ương về đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ chủ chốt là chủ nhiệm Đoàn Luật sư tại địa phương, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, quản lý đảng viên tại các Đoàn Luật sư.
Theo các quy định trên được hiểu công tác tổ chức thành lập Đoàn Luật sư, công tác hiệp thương nhân sự bầu vào các chức danh cán bộ lãnh đạo là ủy viên Ban Thường vụ và Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư là nhiệm vụ của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Do đó theo chúng tôi cần phải có sự kết hợp giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các địa phương trong quá trình tổ chức thành lập, tạo điều kiện các Đoàn Luật sư hoạt động và phát triển.
Nội dung quy định  Đảng đoàn lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam có các ý nghĩa đảm bảo sau :
+ Tính chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được lãnh đạo xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
+ Công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí nhân sự phù hợp với hoạt động hành nghề luật sư.
+ Phối hợp trong công tác nhân sự với các cấp ủy và các cấp chính quyền Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương.  
+ Đề cao trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với các Đoàn Luật sư.
Vì những lý do trên, để tăng cường sự quản lý nhà nước kết hợp tính tự quản của tổ chức Luật sư trong công tác xây dựng tổ chức và nhân sự đối với các Đoàn Luật sư thì nên có sự trao đổi thống nhất giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 
Từ nội dung phân tích trên chúng tôi đề nghị sửa đổi bổ sung một số nội dung sau 
Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư 
13. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Liên đoàn Luật sư Việt Nam  về Đề án tổ chức Đại hội thành lập; Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng nhân sự Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật và Điều lệ.
Điều 83. Trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, khoản 4 về nhiệm vụ quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương
mục a) Cho phép thành lập Đoàn luật sư; quyết định việc giải thể Đoàn luật sư sau khi thống nhất ý kiến với Liên đoàn luật sư Việt Nam
mục b) Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội, phê chuẩn kết quả Đại hội của Đoàn luật sư sau khi thống nhất ý kiến với Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Có như vậy mới đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng đối với hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư và đề cao vai trò tự quản của tổ chức luật sư
5 - Tính tự quản tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp luật sư
Trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, thuận lợi có, khó khăn có, rủi ro phát sinh cũng không thể lường trước và tránh khỏi và nếu rủi ro phát sinh thì việc bồi thường cho khách hàng được đặt ra cho luật sư. Dịch vụ pháp lý là một dịch vụ có khả năng phát sinh rủi ro cao nên Luật luật sư đã quy định Luật sư có trách nhiệm phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Tổng kết năm năm thực hiện Luật luật sư cho thấy, luật sư chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp là một hành vi tuân thủ pháp luật trong hoạt động hành nghề luật sư (trong đó có lý do khách quan bảo hiểm nghề nghiệp luật sư các cơ quan kinh doanh bảo hiểm chậm triển khai, nay đã triển khai). Ngoài việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động hành nghề của các tổ chức hành nghề, hoạt động tự quản của luật sư cũng đặt ra nhiệm vụ phải kiểm tra, giám sát đôn đốc mua bảo hiểm nghề nghiệp luật sư của các luật sư thành viên từ các Đoàn Luật sư. Để đảm bảo sự kết hợp hoạt động quản lý nhà nước và vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư trong việc giám sát việc mua bảo hiểm nghề nghiệp của Luật sư. 
Chúng tôi thống nhất nội dung đề xuất sửa đổi bổ sung Luật luật sư của Bộ Tư pháp tại dự thảo (4) ngày 08/02/2012 như sau :     
Điều 21 Luật luật sư về Quyền, nghĩa vụ của Luật sư.
Luật sư mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động hành nghề của mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm,
Điều 40 Luật Luật sư về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề Luật sư;
Tổ chức hành nghề Luật sư mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm
Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư 
Giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư
Quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp được bổ sung vào Luật luật sư có ý nghĩa rất lớn về tính hiệu lực sẽ tạo được sự đồng thuận từ phía luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư nâng cao được trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp. Mặt khác, Luật quy định về trách nhiệm của Đoàn luật sư giám sát việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư là hình thức trao quyền quản lý những công việc thuộc nội bộ của Đoàn, nhằm tăng tính tự quản cho các Đoàn luật sư có thể xử lý kỷ luật sư thành viên nếu vi phạm không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Luật sư Phan Thông Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Trưởng Cơ quan Đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

Đọc thêm