Thực hiện chính sách tín dụng ở Hòa Vang

“Vốn vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã giúp trang trại mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra tăng gấp nhiều lần so trước đây, thu nhập cao hơn”, ông Lê Minh, chủ trang trại nuôi cá nước ngọt ở thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết.

“Vốn vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã giúp trang trại mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra tăng gấp nhiều lần so trước đây, thu nhập cao hơn”, ông Lê Minh, chủ trang trại nuôi cá nước ngọt ở thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang cho biết.

Mô tả ảnh.
Ông Lê Minh (ngoài cùng bên trái) cùng các cán bộ ngân hàng tại ao nuôi ươm cá giống của trang trại.
Ông Lê Minh triển khai nuôi cá nước ngọt từ năm 1994, nhưng do thiếu vốn, nên một thời gian dài cũng chỉ nuôi ở 4 ao rộng hơn 1ha quanh nhà. Dạo đó, nuôi cá theo phương thức quảng canh, mỗi năm thu hoạch 1 lứa, thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Kinh tế gia đình ông thực sự phất lên từ khi được vay vốn theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp vào năm 2002 của Chính phủ. Có vốn, ông đầu tư nâng cấp ao hồ, mua thêm con giống, thức ăn, nuôi quy mô thâm canh. Nhờ vậy, sản lượng cá bán ra tăng từ vài tấn/năm lên 20-30 tấn/năm.
Năm 2007, ông vay tiếp 100 triệu đồng, đầu tư lập bè thả nuôi tại đập Khe Tân, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Hiện tại, ông là người có quy mô nuôi cá nước ngọt lớn nhất ở Hòa Vang, gồm 1,2ha quanh nhà, 9ha ở hồ Đồng Tréo và 1.500 mét vuông bè ở đập Khe Tân. Từ đầu năm đến nay, ông Minh đã thu 2 lứa khoảng 60 tấn cá điêu hồng, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Vừa qua, ông Lê Minh vay 200 triệu đồng từ vốn chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp đầu tư ươm cá giống, nâng cấp ao hồ và bổ sung nguồn thức ăn cho lứa cá sẽ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Theo ông Minh, trước đây, không dám vay số tiền lớn như thế. Còn hiện nay, chừng đó chẳng nghĩa lý gì. Thu hoạch lứa cá là đủ trả. Vay vốn hiện nay thủ tục nhanh gọn, thuận tiện.

Từ 100 triệu đồng vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của Chính phủ, ông Mai Ngọc ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú đã nâng quy mô trại gà từ 500 con lên 5.000 con. Lão nông ở tuổi 63 này tâm sự: Từ trước đến nay, đất đai rộng nhưng không có vốn nên chỉ nuôi theo kiểu cò con, vài trăm con là nhiều. Trại gà của gia đình thực sự khởi sắc kể từ khi ngân hàng cho vay vốn và Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm chuyển giao kỹ thuật nuôi theo quy trình an toàn sinh học. Hiện tại, gà thịt chỉ 55-60 ngày là xuất chuồng, tỷ lệ hao hụt khoảng 2-3%, mỗi tháng lãi gần chục triệu đồng. Với đà này, năm tới sẽ vay tiếp để mở rộng chuồng trại, nâng tổng đàn lên 15 nghìn con.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều hộ cá thể, chủ trang trại ở Hòa Vang đã và đang ăn nên làm ra nhờ vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của Chính phủ.

Ông Ông Hùng Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của Chính phủ, chi nhánh đã giải ngân hơn 90 tỷ đồng. Đến nay, gần 1.000 hộ, chủ trang trại, HTX đã được chi nhánh giải ngân cho vay.

Tuy nhiên, hiện nay ở Hòa Vang số hộ được tiếp cận với vốn vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của Chính phủ chưa nhiều. Cùng với ngân hàng, chính quyền các cấp, Phòng NN&PTNT và các đoàn thể ở Hòa Vang phải vào cuộc mở ra cho nông hộ hướng làm ăn mới, để họ mạnh dạn vay vốn đầu tư. Theo ông Lê Thông, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Hòa Vang, vốn cho vay khá dồi dào. Bất cứ hộ cá thể, chủ trang trại, HTX nào có nhu cầu về vốn, có dự án phát triển kinh tế khả thi, chi nhánh sẵn sàng giải ngân cho vay theo quy định. Hy vọng, nguồn vốn này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế ở Hòa Vang phát triển mạnh hơn nữa.

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu         

Đọc thêm