“Tha” là chính…
Thực hiện Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, rất nhiều lực lượng được trao quyền xử phạt. Trong đó, lực lượng cảnh sát trật tự, công an các phường khu vực nội đô được trao quyền xử phạt các vi phạm giao thông tĩnh và nhiều vi phạm khác của người tham gia giao thông.
Trách nhiệm của lực lượng cảnh sát trật tự đối với việc lập lại trật tự giao thông, đặc biệt là trên các tuyến phố văn minh đô thị, nơi cấm dừng, đậu và để các phương tiện giao thông là rất lớn. Song, với tình trạng phức tạp của vi phạm giao thông hiện nay, cảnh sát trật tự với sự giúp đỡ của lực lượng tự quản cũng phải “nhường” nhịn người vi phạm chứ không thể thấy vi phạm là phạt được.
Sau nhiều ngày bám phố, theo chân những người đi lập lại trật tự, chúng tôi lượn quanh các tuyến phố Hai Bà Trưng, Tràng Thi, Hàng Trống.. nghi nhận rất nhiều vi phạm trật tự giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, chủ phương tiện. Nhưng, tỷ lệ xử phạt của lực lượng công an phường thì không nhiều.
Phố Tràng Thi, tuyến phố văn minh nội đô với sự hiện diện của Công an quận Hoàn Kiếm ngay đầu phố nhưng cũng chính là điểm nóng vi phạm trật tự giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh. Từ sáng đến tối, trên vỉa hè, khu vực đối diện Công an quận Hoàn Kiếm, chủ phương tiện bày la liệt xe máy các loại song thỉnh thoảng mới thấy cảnh sát trật tự của Công an phường Hàng Trống đi qua, nhắc nhở.
Đặc biệt, khu vực ngã ba Tràng Thi, trước cửa nhà hàng Biển Nhớ, lòng đường trở thành bãi đỗ xe riêng của nhà hàng này. Hàng ngày, từ khoảng 10 giờ 30 phút đến 14 giờ, xe ô tô các loại, kể cả các xe mang biển số xanh ngang nhiên đậu ngay dưới chân biển cấm đỗ xe. Nhưng, tuyệt nhiên không có bóng dáng cảnh sát nào đến xử lý vi phạm. Sau nhiều ngày “phục” tại đây, chúng tôi có ghi nhận một vụ xử phạt đậu xe trái luật vào khoảng hơn 15 giờ chiều. Theo những người dân ở đây, giờ ăn trưa thì chỗ đó đã được nhà hàng Biển Nhớ “thầu” nên chả bao giờ bị phạt, các chủ phương tiện cứ thoải mái đỗ xe mà ăn nhậu.
|
"Bãi để xe" trước cửa nhà hàng Biển Nhớ |
Khi xử phạt thì.. sai!
Khác với việc xử phạt ô tô, việc để xe máy trên vỉa hè bị xử lý nhiều hơn nhưng khi xử lý thì lực lượng cảnh sát lại xử sai. Chúng tôi là nhân chứng của nhiều vụ xử sai như vậy.
Điển hình là ngày 24/6 vừa qua, Công an phường Hàng Trống tuần tra và phát hiện nhiều phương tiện để trên vỉa hè. Tổ tuần tra lập tức kiểm tra và cầm giấy tờ của chủ phương tiện lên xe đi luôn, không lập biên bản. Đối với các phương tiện “vô chủ” thì được lực lượng tự quản bê lên xe chuyển đi hoặc do chính lực lượng này dắt đi mà không lập biên bản về việc tạm giữ tài sản của công dân.
Sau khi yêu cầu được lập biên bản không thành, hốt hoảng về việc tài sản của mình bị mang đi đâu không rõ, chủ phương tiện phải chạy bộ theo chiếc ô tô, lòng vòng trên vài tuyến phố nữa mới chịu “về phường”.
Tại Công an phường Hàng Trống, khi được “người vi phạm” chất vấn về việc không lập biên bản, một cán bộ công an phường, giải thích rằng đó là “thủ tục rút gọn”. Lực lượng xử lý vi phạm không sai khi không lập biên bản vi phạm. Vẫn chấp hành quyết định xử phạt nhưng những người bị xử phạt tuyên bố sẽ “kiện ra tòa” để làm cho ra ngô ra khoai việc giữ tài sản của công dân mà không lập biên bản tạm giữ, không xử phạt tại chỗ nhưng lại áp dụng thủ tục xử phạt nhanh.
Bình Minh
Người dân đúng hay công an phường đúng trong cuộc tranh cãi về việc không lập biên bản vi phạm hành chính và biên bản tạm giữ, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Minh Hải và Luật sư Hoàng Đạo về vấn đề này.
Thưa Luật sư Lê Minh Hải, tại sao phải lập biên bản vi phạm hành chính khi công dân có hành vi vi phạm?
Biên bản vi phạm hành chính là văn bản ghi nhận sự việc vi phạm hành chính, có sự thừa nhận của người vi phạm hoặc người làm chứng, được sử dụng làm căn cứ cho việc xử phạt. Khi phát hiện vi phạm, người có trách nhiệm và thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt.
|
Ls Lê Minh Hải |
Có trường hợp nào không phải lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn xử phạt được không, thưa ông?
Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 128//2008/NĐ-CP thì trường hợp lỗi đơn giản và xử phạt tại chỗ thì được phép không phải lập biên bản. Thủ tục xử phạt nhưng không phải lập biên bản gọi là thủ tục xử phạt đơn giản, áp dụng cho các hành vi có mức phạt dưới 200 đồng.
Ngoài ra, mọi trường hợp đều phải lập biên bản vi phạm.
Thưa luật sư Hoàng Đạo, theo ông, khi tạm giữ giấy tờ, tài sản của người vi phạm mà người thi hành công vụ không lập biên bản là đúng hay sai?
Mọi trường hợp tạm giữ tài sản, giấy tờ của công dân đều phải lập thành văn bản, nghi nhận tình trạng của tài sản đó để đảm bảo trách nhiệm của cả người giữ và người bị tạm giữ. Nếu giữ tài sản của công dân mà không có biên bản là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi của công dân.
Tôi nói ví dụ, khi đem xe máy của người vi phạm về trụ sở mà không lập biên bản tạm giữ, trên đường vận chuyển xe mà xảy ra sự cố gì thì lấy đâu căn cứ xác định thiệt hại và lỗi của người có tài sản cũng như người giữ tài sản.
|
Ls Hoàng Đạo |
Người bị xử phạt có khả năng bị kiện cho việc làm không đúng này không, thưa ông?
Thông thường thì hiếm có người khiếu nại và kiện các quyết định xử phạt trên. Song không phải vì thế mà cẩu thả trong việc xử phạt vi phạm hành chính. Tôi cho rằng, việc lập lại trật tự giao thông thì chính những người xử lý vi phạm cần thận trọng và tuân thủ pháp luật.
Xin cảm ơn các ông!