Theo đề án của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2010-2011 sẽ triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm học 2018-2019. Tuy nhiên, những bước triển khai đầu tiên của Bộ GD-ĐT lại khiến nhiều người phải băn khoăn về hiệu quả dạy và học.
|
Cô giáo Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên dạy giỏi môn Tiếng Anh ở Trường tiểu học Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) trong giờ lên lớp.
Ảnh: Xuân Thu
|
Từ nhiều năm nay, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy trong trường tiểu học của tỉnh như một môn học tự chọn, trong đó năm học 2009-2010, đã có 288/290 trường tiểu học với 99,2% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 tham gia với thời lượng 2 tiết/tuần. Mặc dù, đã đạt được những kết quả nhất định, song dường như là môn học tự chọn, sự quan tâm, đầu tư của các trường cũng chừng mực. Phần lớn giáo viên dạy môn tiếng Anh đều không được đào tạo để dạy học sinh tiểu học, bởi việc tuyển dụng không dễ khi đào tạo giáo viên tiếng Anh ở các trường cao đẳng sư phạm mới chỉ bắt đầu. Bên cạnh đó, chưa phải trường tiểu học nào cũng có đủ điều kiện cơ sở vật chất. Việc dạy tiếng Anh ở các trường chủ yếu dùng băng, đĩa, đài cát sét và tranh ảnh, chưa có nhiều trường xây dựng được phòng tiếng Anh, sĩ số của mỗi lớp học lại không bảo đảm độ chuẩn để đạt hiệu quả giảng dạy tốt… Kế hoạch thí điểm dạy môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học, bắt đầu từ khối lớp 3 trong năm học 2010-2011 được Bộ GD-ĐT kỳ vọng xóa đi những hạn chế trong dạy môn ngoại ngữ, tăng dần khả năng sử dụng ngoại ngữ của người Việt Nam. Phương pháp chủ đạo trong việc dạy tiếng Anh tiểu học mà Bộ đưa ra là dạy ngôn ngữ giao tiếp, hoạt động dạy và học được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú với các hoạt động tương tác (trò chơi, bài hát, kể chuyện, câu đố, vẽ tranh…), dưới các hình thức hoạt động cá nhân, theo cặp và nhóm. Theo phương pháp này, học sinh được luyện tập kết hợp các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giáo viên tạo cơ hội tối đa cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp học, trong đó đặc biệt chú trọng tới hai kỹ năng nghe và nói (đọc, viết) nhằm giúp học sinh giao tiếp đơn giản một cách tự tin, tạo thói quen học tập từ nhỏ, trở thành công dân toàn cầu trong tương lai. Thực hiện đề án của Bộ GD-ĐT, các giáo viên được tập huấn để thay đổi phương pháp dạy học. Tuy nhiên, trên thực tế, các giáo viên cốt cán chỉ được tập huấn có 5 ngày với các chuyên gia nước ngoài, sau đó về triển khai tập huấn tại địa phương. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra một chương trình chung, còn chọn sách nào là do Sở GD-ĐT quyết định, căn cứ vào các loại tài liệu tiếng Anh đã dạy có kết quả ở địa phương để thiết kế và triển khai bài dạy. Điều kiện đặt ra là phải bảo đảm được các mục tiêu của chương trình tiếng Anh tiểu học và chất lượng của học sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương với cấp độ A1 của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ.
Tại tỉnh ta, đã có 5 trường tiểu học là: Nam Tân (Nam Trực), thị trấn Gôi (Vụ Bản), Trần Quốc Toản, Hùng Vương, Phạm Hồng Thái (T.P Nam Định) được chọn dạy thí điểm trong năm học này. Các trường này đều đạt chuẩn về cơ sở vật chất, sĩ số học sinh 35 em/lớp học, trường dạy 2 buổi/ngày và cả 5 giáo viên của tỉnh được đi tập huấn và kiểm tra trình độ của Bộ GD-ĐT đều đạt chuẩn yêu cầu (trong cả nước có 147 giáo viên được khảo sát trình độ, mới có 28 người đạt, trong đó tỉnh ta có cả 5 giáo viên đạt chuẩn). Sắp tới, Sở GD-ĐT tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường thí điểm để có thể đạt hiệu quả cao nhất, từ đó triển khai dạy đại trà trong tỉnh trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh vẫn băn khoăn, khi dạy chương trình thí điểm tiếng Anh mới, Bộ GD-ĐT chỉ xây dựng bộ tài liệu dạy học tiếng Anh và hướng dẫn phân phối nội dung dạy học theo chương trình, các trường có thể sử dụng các loại tài liệu tiếng Anh khác để xây dựng và phân phối nội dung cho cả năm học, yêu cầu học sinh tốt nghiệp tiểu học phải đạt trình độ A1 (tương đương với cấp độ của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ). Đồng thời, Bộ quyết tâm dạy tiếng Anh tiểu học theo phương pháp dạy cuốn chiếu. Năm sau, nếu có sách tiếng Anh lớp 6 thì dạy luôn chứ không chờ lớp 5 (dạy theo chương trình thí điểm) lên mới dạy. Cũng vào năm sau, khi triển khai đại trà, những nơi nào đủ điều kiện, Bộ mới coi là chính thức dạy theo chương trình thí điểm. Với cách triển khai đó, đang đặt ra câu hỏi, việc thi cử sẽ thế nào, liệu có phải soạn 2 bộ đề thi tốt nghiệp môn tiếng Anh cho học sinh học 10 năm và 7 năm hay không. Và, với cách làm cập rập như vậy, liệu mục tiêu đổi mới việc dạy và học tiếng Anh từ bậc tiểu học, bảo đảm hình thành và phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh cho học sinh có thể bảo đảm?. Những học sinh khác, trên cùng một địa bàn, ở cùng một huyện, thành và cả tỉnh mà không được dạy thí điểm từ năm học này có thiệt thòi không khi các bạn được dạy trước tiếng Anh 3 năm chỉ vì trường không có đủ cơ sở vật chất, giáo viên…?
Thảo Linh