Thực hư “du học định cư”: Không đơn giản như quảng cáo

Nhiều công ty du học quảng cáo việc định cư sẽ dễ dàng hơn ở các nước như Úc, Canada nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.
Nhiều công ty du học quảng cáo việc định cư sẽ dễ dàng hơn ở các nước như Úc, Canada nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.

>> Thực hư "du học định cư"

Du học sinh quốc tế tại Úc - Ảnh: T.Nguyễn
Các nước như Úc, Canada có chính sách nhập cư dành cho người nước ngoài. Tuy nhiên, kèm theo đó là những điều kiện khá nghiêm ngặt. Nếu du học sinh đáp ứng đủ thì mới được xem xét.

Cố tình chiêu dụ

Tháng 7.2007, chính quyền Úc có chính sách nới rộng đạo luật định cư tại nước này cho người đến từ các nước châu Á, đồng thời siết chặt chính sách nhập cư nhân đạo từ châu Phi. Theo đó, những du học sinh có bằng CĐ nghề phù hợp với một trong những ngành mà nước Úc đang thiếu hụt có quyền xin định cư tại Úc. Dựa vào chính sách này, nhiều công ty du học tại Việt Nam mở chương trình du học - định cư với những lời quảng cáo hấp dẫn như: “Đây là cơ hội ngàn vàng cho những công dân Việt Nam muốn định cư tại Úc”...
Tuy nhiên, chính sách định cư vào nước này có sự điều chỉnh, thay đổi theo thời gian. Vào ngày 17.5.2010, Úc công bố quy định mới về những ngành nghề được xét định cư tại nước này mà không cần bảo lãnh của người tuyển dụng. Điểm thay đổi đáng kể trong chính sách mới này là thắt chặt hơn quy định về trình độ, trong đó có 219 danh mục nghề nghiệp bị cắt giảm. Những nghề không đòi hỏi trình độ cao như nấu ăn và cắt tóc sẽ bị hạn chế, ưu tiên các ngành nghề như bác sĩ, y tá và kỹ sư. Theo Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Di trú Úc Chris Evans cho biết quy định các ngành nghề xét định cư tại Úc trước đây được ban hành không dựa trên nhu cầu dài hạn về nhân lực mà định hướng theo hệ thống giáo dục. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Úc đã tiếp cận với học sinh quốc tế bằng cách đưa thông tin về các khóa học dạy nghề của mình như là một cách để xin định cư tại nước này. Chính sách mới đảm bảo rằng những người được phép định cư sẽ có nghề mà Úc đang cần, có trình độ tiếng Anh tương xứng và có khả năng tìm được công việc trong lĩnh vực nghề nghiệp đó. Thực tế là vậy, nhưng đến nay vẫn có những công ty du học cố tình đưa ra những lời quảng cáo du học định cư tại Úc cho những ngành nghề mà Chính phủ Úc đã hạn chế. Chẳng hạn Công ty tư vấn du học Thiên Bảo (Q.11, TP.HCM) vẫn đăng quảng cáo trên mạng với nội dung: “Du học nghề tóc, cơ hội làm việc và định cư tại Úc”. Theo đó, học viên chỉ cần học hết lớp 11, tuổi từ 18 - 35 là có thể tham gia chương trình. Thậm chí, trên www.vatgia.com từng xuất hiện một đoạn quảng cáo nội dung: “Du học định cư Úc - không cần Anh văn, không cần tay nghề”...Cơ hội đến đâu? Cũng như Úc, Canada có chính sách định cư cho du học sinh hoặc lao động có tay nghề. Chính sách này cũng thường xuyên thay đổi. Định cư theo diện Skilled workers (tạm dịch: lao động lành nghề) - thường dành cho các ngành nghề đang thiếu lao động tại Canada - được các công ty du học tập trung quảng cáo nhưng thực tế để đạt được điều này, du học sinh cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu khác. Trên trang web www.cic.gc.ca - một trong những kênh thông tin chính thức về du học Canada, du học sinh có thể tìm hiểu đầy đủ các thông tin về vấn đề định cư. Về nguyên tắc, SV tốt nghiệp các cơ sở giáo dục sau trung học công lập và chương trình có bằng cấp tại các cơ sở giáo dục tư nhân có thể làm việc tại Canada với một giấy phép làm việc trong 3 năm. Chính phủ Canada cũng có chương trình nhập cư mới mang tên Canadian Experience Class (tạm dịch: lớp trải nghiệm Canada) dành riêng cho những SV mới tốt nghiệp có bằng cấp và kinh nghiệm làm việc ở Canada trong một ngành nghề có chuyên môn hoặc một việc làm chuyên nghiệp hay kỹ thuật mà Canada đang cần. Tuy nhiên, theo một nhân viên của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam thì đây chỉ mới là những điều kiện cần, còn việc định cư tại Canada được hay không còn phải có thêm những yếu tố khác như năng lực của người lao động... Chia sẻ về vấn đề này, một du học sinh đang ở Úc cho biết: sau khi Úc có quy định không cần điểm IELTS khi xét du học, một lượng lớn du học sinh VN qua Úc có ý định ở lại nước này làm việc. Nhưng điều này không đơn giản. Cũng theo người này, chỉ một phần rất nhỏ du học sinh có thể thực hiện được điều trên.
Theo Đăng Nguyên
Thanh Niên

Đọc thêm