Đến Viện Dinh dưỡng với mong muốn con mình phát triển tốt hơn, nhưng nhiều bà mẹ trẻ đã phải “ôm cục tức” với hóa đơn bạc triệu mỗi lần vào nhà thuốc ở đây mua “hàng” theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để bán được thực phẩm chức năng, không loại trừ sự móc ngoặc của bác sĩ với những chỉ định gây bức xúc…
Trong nhiều ngày theo dõi, phóng viên Pháp luật Việt Nam phát hiện nhiều mánh lới mà nhà thuốc của Viện Dinh dưỡng “dụ” người nhà cháu nhỏ phải chi tiền để lấy “sản phẩm” là các loại thực phẩm chức năng với những tờ hóa đơn có ký hiệu lạ…
Sáng thứ 7, ngày 14/9/2013, phòng chờ khám của Viện Dinh dưỡng trên đường Tăng Bạt Hổ chật kín trẻ em được các bố mẹ đưa đến khám, nhờ bác sĩ tư vấn cho sự phát triển của con trẻ. Tuần tự, những phòng khám ở đây luôn sáng đèn và đón nhận nhiều khách hàng…
Kỳ vọng với tư vấn của bác sĩ
Với diện tích chưa được rộng lớn, nhưng Viện Dinh dưỡng đã cho “quây” lại với 10 phòng khám, với tên tuổi của các bác sĩ khác nhau. Ngay từ cổng vào, tuần tự từ phòng khám số 1 đến số 10 luôn đỏ đèn, có bác sĩ túc trực.
|
Số thực phẩm chức năng được bác sĩ Hải, Viện Dinh dưỡng kê cho trẻ em dưới 1 tuổi! |
Theo ghi nhận của phóng viên, mới khoảng 10h, nhưng số thứ tự trên các “bốt” khám đã nhảy đến con số hàng chục, thậm chí có phòng khám số thứ tự cho biết đã khám được ngoài 20 người.
Một bà mẹ trẻ có tên Hà cho biết, ngay khi vào cổng, chị phải mua sổ khám mất 50.000 đồng và ra lấy số thứ tự. Cũng tại chỗ này, nhân viên mặc áo blouse trắng đã tiến hành đo cân nặng, chiều cao cho con trẻ, sau đó ghi chỉ số này vào sổ khám đã được mua trước đó.
Quan sát tại các phòng khám này, tùy thuộc vào kinh nghiệm hay sự nhiệt tình của bác sĩ mà thời gian khám cho các cháu cũng khác nhau. “Có phòng khám thì các cháu chỉ có thời gian mấy phút, nhưng cũng có bác sĩ khám kỹ và đưa ra nhiều tư vấn nên xong một người cũng mất gần 10 phút”, một bà mẹ trẻ, cho biết.
Không riêng gì các gia đình Hà Nội, ngày cuối tuần nên nhiều cặp vợ chồng từ các tỉnh như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam… cũng đưa con mình lên khám, nhờ bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng cho con em mình.
Chị Hoàng Thị Thơm, một bà mẹ trẻ đến từ Hà Nam, cho biết, dù đã hai tuổi nhưng con chị không đảm bảo cân nặng và chiều cao nên mới đến Viện Dinh dưỡng để khám. Chị Thơm cho hay, có thể chế độ dinh dưỡng của gia đình đưa ra không phù hợp với khẩu vị và sự phát triển của trẻ nhỏ nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Với số lượng người đông đảo đến Viện Dinh dưỡng như vậy, ước tính trong buổi sángngày cuối tuần cũng đã có khoảng trên dưới 100 ông bố, bà mẹ đưa con mình đến khám nơi này.
Thất vọng với danh mục “thuốc”
Khác với vẻ kỳ vọng từ sự tư vấn của bác sĩ, nhiều phụ huynh sau khi rời phòng khám đã rất bức xúc với số tiền mà họ bỏ ra để mua thực phẩm chức năng, theo như khuyến cáo của bác sĩ!
Chị Lê Thúy Quỳnh, mẹ của cháu bé 1 tuổi, không khỏi ngạc nhiên chỉ cho phóng viên xem sổ khám của con mình với 7 loại “thuốc” mà bác sĩ tại phòng khám số 1 đã kê, bởi cả 7 loại “thuốc” này thực ra là thực phẩm chức năng. Theo đó, các loại “thuốc” chức năng được vị bác sĩ kê vào sổ khám, gồm Baby green, Bio TPH, Tokkao, UpKis, Saferon… “Chúng tôi tưởng là thuốc nhưng thực ra khi phải trả tiền cho nhà thuốc mới biết đó đó là thực phẩm chức năng” – chị Quỳnh nói.
Cũng giống như trường hợp chị Quỳnh, nhiều bậc cha mẹ sau khi ra khỏi phòng khám đều “ôm” trên tay các loại thực phẩm chức năng do bác sĩ kê trong sổ khám. “Sự phát triển của con là quan trọng, chúng tôi cũng không thắc mắc tại sao cháu bé chưa đến một tháng tuổi nhưng lại được kê nhiều thuốc như vậy. Nhìn đống thuốc mua về thì người lớn uống cũng không nổi chứ nói gì trẻ con đang thời kỳ bú sữa mẹ”, một phụ huynh tên Hà nói.
“Trò mèo” ở nhà thuốc
Với những “khuyến cáo” của bác sĩ trong số khám, rất nhiều người đã vào tiệm thuốc của Viện Dinh dưỡng để các dược sĩ ở đây “bốc thuốc” cho con em của mình.
|
Hóa đơn của nhà thuốc tại Viện Dinh dưỡng với số tiền người mua phải thanh toán lên đến hơn 1 triệu đồng, toàn bộ “chỉ định” của bác sĩ đều là thực phẩm chức năng. |
Khác với những nhà thuốc khác trên toàn quốc, nhân viên bán thuốc và thu tiền ở Viện Dinh dưỡng lại có những yêu cầu hết sức kỳ quặc. Theo đó, khi người nhà trẻ em vào lấy thuốc, những nhân viên của nhà thuốc này nhanh chóng xem sổ khám rồi ghi đơn, sau đó lấy máy tính cộng tổng số tiền mà khách hàng phải trả. Sau khi cầm tiền, nhân viên ở đây mới đến tủ kính lấy các hộp thuốc ra, và đa phần các hộp này đều là thực phẩm chức năng.
Những nhân viên ở đây cho biết, khi đã xuất hóa đơn (thực ra là phiếu thu màu đỏ) thì khách hàng không được trả lại sản phẩm.
Là thực phẩm chức năng, nhưng khi thanh toán tiền thì nhiều người hết sức sửng sốt vì kinh phí cho những hộp thực phẩm chức năng này quá lớn. Một phụ huynh sau khi cầm đầy túi thực phẩm chức năng đã than thở, số tiền mà chị thanh toán trên 1 triệu đồng, quá lớn so với thu nhập của người dân ở các vùng quê lam lũ.
“Vì nhà thuốc nằm ngay trong Viện Dinh dưỡng nên mua cho tiện, vả lại nếu ra nhà thuốc bên ngoài mà không có loại thuốc như bác sĩ kê đơn thì phải bắt xe quay lại Hà Nội càng tốn kém thêm”, một người mua thuốc cho biết.
Theo phiếu thu từ nhà thuốc Viện Dinh dưỡng mà phóng viên có được, thì chỉ với các loại thực phẩm chức năng như Upkis, TPH, Saferon, Baby green, Tokkao, “Gluco”, nhà thuốc này đã “bỏ túi” 1.109.000 đồng. “Số tiền này mới chỉ dừng lại ở đó, nếu lấy đủ 7 loại thuốc như đơn của bác sĩ cho thì số tiền phải vượt 1,5 triệu, có khi gần 2 triệu”, người cho phóng viên xem hóa đơn này khẳng định.
Không chỉ xuất một phiếu thu, mà trong buổi sáng ngày 14/9, nhiều người cũng vào hiệu thuốc này để mua theo chỉ định của bác sĩ. Điều đặc biệt, trên mỗi phiếu thu này đều có đánh dấu ký hiệu mà nếu không quan sát thì khó có thể phát hiện ra.
Theo đó, tại một phiếu thu mà phóng viên có được, thì phần phía trên ngoài cùng bên trái được dược sĩ bán ở quầy thuốc này ghi là “B/S Hải”. Tên mặt hàng mà nhà thuốc bán ra ngày 14/9 theo phiếu thu này gồm 4 loại và cả bốn loại này đều là thực phẩm chức năng.
Việt Hưng