Vấn đề đưa ra tại tọa đàm “Đề xuất góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý TPCN tại Việt Nam” do báo Diễn đàn DN phối hợp với Hiệp hội TPCN Việt Nam tổ chức cuối tuần qua…
Tiềm năng lớn
Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam (VAFF), thị trường TPCN tại Việt Nam trong những năm qua đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 DN tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.Với người dùng, từ chỗ lúc đầu chỉ có người dân TP HCM, Hà Nội dùng, đến nay qua điều tra mẫu cho thấy 90% số nhà thuốc ở các tỉnh thành đều bán TPCN.
Theo PGS Trần Đáng - Chủ tịch VAFF, TPCN có 2 tác dụng cơ bản: Một là, tăng cường, bảo vệ sức khỏe, chống lão hóa, làm đẹp cho con người. Hai là, hỗ trợ điều trị bệnh tật, góp phần làm giảm nguy cơ bệnh. Nếu bị bệnh rồi thì làm giảm tác hại của bệnh đi. “Tôi khẳng định, xu thế dùng TPCN sẽ ngày còn tăng lên. Ở Mỹ 92% người dùng sử dụng TPCN, tại VN, sớm muộn gì chúng ta cũng theo xu thế đó” - ông Đáng khẳng định.
Không chỉ có tiềm năng tiêu thụ TPCN, Việt Nam còn được đánh giá là nước có tiềm năng sản xuất ra TPCN. Hiện tại, trong các cơ sở sản xuất TPCN có mặt hàng ở VN thì nhập khẩu là 43 %, 57% là sản xuất trong nước với hơn 3000 sản phẩm.
Theo Bác sỹ, Luật gia Phạm Hưng Củng, Tổng Thư ký VAFF, thực ra Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới sản xuất và sử dụng TPCN. Từ thế kỷ 13, Đại danh y Tuệ Tĩnh đã từng viết: “Thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn”.
“Ở Mỹ, chỉ một giống cây lô hội, họ đã đầu tư hàng triệu đô la nghiên cứu, cho ra mấy chục sản phẩm bán trên thế giới. Còn ở Việt Nam, chúng ta rất đa dạng sinh học với 4000 loài cây con làm thuốc, rất nhiều loài đặc hữu, cây thuốc bản địa quý chỉ Việt Nam mới có. Người Việt ta lại có kinh nghiệm và bí quyết sử dụng nhiều bài thuốc từ cây, con nơi mình sinh sống hàng nghìn năm nay… Đây là thế mạnh của Việt Nam, nếu chính sách, cơ chế, quản lý thương mại đủ chặt chẽ, việc nghiên cứu đưa vào sử dụng nhiều hơn thì Việt Nam có thể là cường quốc về TPCN…” - ông Củng khẳng định.
Bị “vạ lây” vì đa cấp
Phát triển nhanh nhưng tự phát, manh mún, khó kiểm soát đang là những điểm trừ của thị trường TPCN. Điều này đã làm không ít người tiêu dùng hoang mang và ngờ vực về TPCN. Đối với TPCN sản xuất trong nước là sự nghi ngại về chất lượng, công dụng; Còn đối với các loại TPCN nhập ngoại sự hoài nghi về hàng giả, hàng nhái.
Nói về ngành sản xuất TPCN, GS.TS Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho rằng, trên thế giới họ làm rất chậm nhưng đầu tư rất lớn cho cả nghiên cứu còn Việt Nam làm rất nhanh nhưng không được đầu tư lớn. “Từ việc nhìn ra thế giới như vậy, bản thân tôi thấy rằng khi hiểu được thế giới thì Việt Nam càng phải đầu tư đến nơi đến chốn chứ 3.600 DN về TPCN đã có lực lượng nghiên cứu đâu…” - vị chuyên gia này đề nghị.
Đáng ngại hơn, theo Tổng thư ký VAFF, TPCN bản chất là tốt, nhưng ở Việt Nam lại biến tướng thành đa cấp, bất chính. “Việc hơn 90% các công ty đa cấp bán TPCN đã khiến TPCN bị vạ lây, chứ thực ra TPCN đã được nghiên cứu để đảm bảo chất lượng, tính khoa học…”- Ông Củng khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, bán hàng đa cấp đã bị biến tướng, và chính sự biến tướng đó làm người tiêu dùng cảm thấy TPCN quý và đắt hơn cả thuốc, chính vì lý do đó làm người tiêu dùng “mù” thông tin và hiểu sai về TPCN.
Luật hay Nghị định?
Theo Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang , năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm (ATTP) trong đó có quy định liên quan đến TPCN, cho thấy vai trò của TPCN là rất quan trọng... Căn cứ khoản 4 Điều 14 Luật ATTP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 quy định về quản lý TPCN. “Thông tư này quy định nhiều vấn đề về TPCN, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập nảy sinh với quy định mới của Luật Đầu tư. Bộ Y tế dự kiến sẽ trình Chính phủ để Chính phủ ban hành Nghị định…” - ông Quang cho hay.
“Ở giai đoạn vừa rồi, đúng là TPCN bùng nổ nhưng vẫn có kiểm soát. Chúng ta có quản lý từ Chính phủ, ngành Y tế, Bộ Công thương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, có thể tồn tại một số kẽ hở để DN lách luật…” – Tổng thư ký VAFF nhận định. Ông đề xuất, cần tìm ra kẽ hở để chặn các kẽ hở đó, góp phần quản lý tốt hơn TPCN, không để TPCN đi ngoài luồng quản lý của Nhà nước.
Liên quan đến sức khỏẻ con người, PGS Trần Đáng đề nghị cần có luật quản lý TPCN như nhiều nước đã có. Đồng tình với quan điểm này, nhưng GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho rằng Nghị định về TPCN thì tốt hơn bởi hiện nay dự trữ Luật cần phải thông qua đang quá lớn…
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trịnh Quân Huấn cho rằng, ít nhất phải có 3 Nghị định. “Hiện nay chưa có Nghị định nào cả, do đó, khi có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ Y tế không giải quyết được. Do đó, theo tôi cần thiết phải xây dựng Nghị định” - ông đề nghị.
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện dự thảo khung pháp lý đã được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ. “Tất cả ý kiến của DN là thực tiễn, Bộ Y tế sẽ luôn tiếp thu và nghiên cứu. Việc điều chỉnh phải đảm bảo được nguyên tắc nhất quán về tiên chỉ sức khỏe người sử dụng lên hàng đầu, đảm bảo thượng tôn về luật pháp và đảm bảo quyền lợi cho các DN, đơn vị nhập khẩu sản phẩm TPCN…” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định.