Thực sự là khuyến học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có nhiều người sẵn sàng và thường trực giúp đỡ các em học sinh nghèo theo đuổi con đường học hành, không chỉ vì các em mà còn vì tương lai của đất nước này. Rất đáng để tôn trọng những tấm lòng hào hiệp đó.
Nữ sinh mồ côi đỗ Đại học Y Hà Nội.
Nữ sinh mồ côi đỗ Đại học Y Hà Nội.

Khi kỳ tuyển sinh vào đại học công bố điểm chuẩn, có nhiều trường học sinh đỗ điểm cao nhưng không thể nhập trường do nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Một số trong trường hợp éo le đó được đưa lên báo chí hoặc các trang mạng xã hội và gần như ngay lập tức được sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm trong cộng đồng mạng hoặc từ các bạn đọc của tờ báo.

Vì sự giúp đỡ kịp thời đó mà một nữ sinh mồ côi đỗ Đại học Y Hà Nội có thể thực hiện giấc mơ giảng đường của một bác sỹ tương lai hoặc “cô bé chăn bò” nghèo khổ trở thành sinh viên đại học, tiếp bước con đường học vấn của mình. Có thể còn nhiều trường hợp khác nữa, tương tự như thế mà chúng ta còn chưa biết đến. Nếu xã hội bàng quan với những người nghèo học giỏi mà không có tiền để học tiếp, hẳn rằng, không chỉ cá nhân đó chịu sự thiệt thòi mà có thể đất nước mất đi một tài năng và sự cống hiến sau này.

Không chỉ ở các trường hợp đỗ đại học điểm cao mà không thể đi học do nghèo mà ngay ở thời điểm hiện tại, rất nhiều học sinh nghèo gặp khó khăn khi phải học trực tuyến mà không có các phương tiện cần thiết như máy tính, điện thoại thông minh, sóng Wifi… Có trường hợp cha mẹ phải đi vay lãi để mua sắm thiết bị học tập cho con. Nhà nào có 2 đứa trẻ trở lên học trực tuyến thì lại càng khó khăn gấp bội, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi.

Chính phủ có chủ trương kêu gọi chính quyền và đoàn thể giúp đỡ phương tiện để các em học online hoặc giảm giá cước Internet. Tại một số Hội khuyến học ở các địa phương khác nhau đã vận động và quyên góp tiền giúp đỡ các học sinh nghèo tại địa phương mình mua máy tính, trả tiền gói cước Internet, rất đáng hoan nghênh.

Bên cạnh những ý kiến đề nghị tăng cao học phí đại học làm “rào cản” cho việc đổ xô vào các trường đại học hoặc không chịu giảm học phí tại thời điểm dạy và học trực tuyến, không giảm gói cước Internet thì vẫn có nhiều người sẵn sàng và thường trực giúp đỡ các em học sinh nghèo theo đuổi con đường học hành, không chỉ vì các em mà còn vì tương lai của đất nước này. Rất đáng để tôn trọng những tấm lòng hào hiệp đó.

Không chỉ trong xã hội chúng ta hiện tại mà trước đây, trong truyền thống đạo lý và sự hiếu học của ông cha, không ít những trường hợp được lưu truyền trong sử sách hoặc trong các câu chuyện dân gian về các hào phú trong làng nhận nuôi dạy cho các cậu học trò nghèo học giỏi và không ít những người đó sau này trở thành nhân sỹ, trí thức, gia đình khoa bảng, đóng góp cho nền tri thức nước nhà. Truyền thống đó cần được giữ gìn và phát huy trong thời đại chúng ta, đó là cách ứng xử văn hóa mang đậm tình người và đạo lý tốt đẹp.

Đọc thêm