Sau hơn 3 năm có hiệu lực, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) đã góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật cũng nảy sinh hàng loạt vướng mắc, bất cập...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ trao đổi về kết quả thi hành Luật TNBTCNN thời gian qua và các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.
Đã chi trả hơn 23 tỷ đồng tiền bồi thường
- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật sau hơn 3 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN?
- Suốt 3 năm qua, với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, việc thực hiện Luật TNBTCNN đã đạt được những kết quả đáng kể trên các mặt công tác. Cụ thể, về tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác bồi thường nhà nước (BTNN), đã thành lập Cục BTNN thuộc Bộ Tư pháp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, đồng thời, phối hợp với TANDTC và VKSNDTC thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng.
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ |
Ở các Bộ, ngành cũng đã phân công tổ chức pháp chế, các vụ chuyên môn thực hiện tham mưu về công tác bồi thường và bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ này. Ở địa phương (cấp tỉnh và cấp huyện), đã giao Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và phối hợp với các cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường các lĩnh vực tại địa phương. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cũng đã giao tổ chức pháp chế hoặc phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ này.
Về công tác xây dựng văn bản hướng dẫn Luật, từ khi Luật có hiệu lực đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN cùng 10 thông tư, thông tư liên tịch.
Trong đó, có 5 thông tư liên tịch hướng dẫn nghiệp vụ về giải quyết bồi thường; 4 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý nhà nước và tổ chức biên chế về công tác bồi thường tại địa phương và 1 thông tư liên tịch hướng dẫn về kinh phí thực hiện BTNN. Hiện Bộ Tư pháp vẫn đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng một số thông tư liên tịch khác.
Về công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường, ngay sau khi Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hoặc tự tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết BTNN cho đội ngũ cán bộ, công chức được phân công thực hiện công tác này.
Trong 3 năm qua, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều tổ chức từ 1 - 5 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng với hàng trăm lượt cán bộ, công chức tham gia. Bộ Tư pháp đã chủ trì, tổ chức hơn 20 hội nghị tập huấn nghiệp vụ bồi thường nhà nước cho công chức được giao thực hiện công tác này tại các Bộ, ngành và địa phương với gần 2.000 lượt người tham dự.
Về công tác hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, Cục BTNN đã tiếp nhận và hướng dẫn nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu BTNN; hướng dẫn các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về nghiệp vụ và giải đáp vướng mắc pháp luật trong hoạt động giải quyết bồi thường. Các Bộ, ngành có vụ việc phải giải quyết bồi thường đều thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhằm giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các yêu cầu bồi thường của tổ chức, công dân.
Về tình hình yêu cầu bồi thường và kết quả giải quyết bồi thường, theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2012, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý 181 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 138 vụ việc, còn lại 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Tổng số tiền đã chi trả bồi thường là hơn 22 tỷ đồng.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN
- Kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Luật TNBTCNN như trên là rất đáng kể, tuy nhiên, dư luận xã hội nói chung, các nhà nghiên cứu và đặc biệt là người bị thiệt hại đều cho rằng những hạn chế, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật TNBTCNN là rất lớn và đặt ra vấn đề phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Thứ trưởng có thể chia sẻ đôi nét về những bất cập ấy?
- Cùng với những kết quả đã đạt được như đã nói ở trên, qua theo dõi và ý kiến phản ánh của một số Bộ, ngành, địa phương thì việc thực hiện Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã nảy sinh những vướng mắc, bất cập.
Đó là những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn cùng những vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động triển khai thi hành Luật. Không những thế, công tác kiện toàn biên chế bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm; việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm so với yêu cầu của Chị thị 1565/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, kinh phí bảo đảm cho công tác thi hành Luật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai, thi hành Luật; công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân còn chưa sâu rộng đến các đối tượng là tổ chức, cá nhân; công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường giữa cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng thiếu đồng bộ, chưa thống nhất cao…
- Đâu là giải pháp khắc phục trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?
- Để tiếp tục triển khai có hiệu Luật TNBTCNN, Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật TNBTCNN sẽ tập trung đánh giá toàn diện công tác triển khai, thi hành để nhận diện cho được những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như công tác tổ chức thi hành Luật, từ đó tìm ra những nguyên nhân để đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm tiếp tục đưa Luật thực sự đi vào cuộc sống.
Một trong những giải pháp quan trọng là sẽ nghiên cứu để đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật TNBTCNN.
Theo báo cáo về kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Luật TNBTCNN của các bộ, ngành, địa phương, nhiều ý kiến đề nghị xem xét sửa đổi một số nội dung Luật. Chẳng hạn, về phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTCNN, nhiều ý kiến đề nghị ngoài hoạt động quản lý hành chính cần mở rộng hơn phạm vi điều chỉnh bao gồm cả những hoạt động khác của các cơ quan nhà nước gây thiệt hại cho cá nhân tổ chức. Hay về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường, cần quy định thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự về căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Còn đối với thời hiệu yêu cầu bồi thường, một số ý kiến đề nghị Luật TNBTCNN không nên quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường mà nên áp dụng thời hiệu của pháp luật dân sự, vì thực chất yêu cầu bồi thường theo Luật TNBTCNN cũng là quan hệ dân sự. Về thủ tục cấp phát kinh phí, có nhiều đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng giao nhiệm vụ lập dự toán ngân sách và cấp kinh phí thực hiện TNBTCNN cho từng Bộ, ngành quản lý (ở Trung ương) và cho Sở Tài chính (cấp tỉnh) và Phòng Tài chính – Kế hoạch (cấp huyện) quản lý.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về TNBTCNN. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác bồi thường. Thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về BTNN. Đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, đồng thời kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về công tác BTNN tại các Bộ, ngành, địa phương.
Nâng cao chất lượng công chức làm công tác bồi thường theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo chiều sâu, tăng cường kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết bồi thường nhằm xây dựng đội ngũ công chức làm công tác bồi thường có chuyên môn cao, có đạo đức và uy tín nghề nghiệp để thực hiện có hiệu quả trên cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Luật TNBTCNN. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp cũng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm thực hiện Chỉ thị số 1565/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Thư (thực hiện)